Sau hơn 4 năm Việt Nam gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), đến lúc này, chúng ta có thể nhận thấy rõ hơn được chân giá trị, những điểm yếu, điểm mạnh và vị thế thực sự của Việt Nam. Tại thời điểm mới bước chân vào WTO, có lẽ vị thế của Việt Nam đã được các nhà hoạch định chính sách nhìn nhận quá cao.

TS. Võ Trí Thành, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu và quản lý kinh tế Trung ương nhận định như vậy khi trả lời phỏng vấn của phóng viên VOV.

Vo-tri-Thanh.jpg
** Việt Nam rút ra được những bài học gì sau 4 năm gia nhập WTO, thưa ông?

Ông Võ Trí Thành: Chúng ta rút ra được rất nhiều bài học quan trọng. Rõ ràng, cả công tác chuẩn bị cũng như trên thực tế, mặc dù có nhiều cải thiện nhưng chưa tốt lắm. Đó là các vấn đề: thể chế kinh tế, pháp lý, việc thực thi, bộ máy điều hành và tổ chức thực hiện. Hội nhập không chỉ là câu chuyện hàng hoá thương mại, mà còn là câu chuyện di chuyển của các luồng vốn; câu chuyện của phản ứng chính sách; câu chuyện lựa chọn đối tác, mức độ mở cửa hội nhập kinh tế vĩ mô...

Bài học nữa, là cùng với sự mở cửa hội nhập, đời sống xã hội cũng phong phú và đa dạng hơn. Và như vậy, các áp lực đối với chính sách cũng trở nên phức tạp và khó khăn hơn. Điều này đòi hỏi một quá trình hoạch định và một quá trình giao diện với công chúng phải minh bạch, có trách nhiệm hơn.

** 4 năm qua có rất nhiều biến động, rất nhiều sóng gió. Điều đó có khiến chúng ta lung lay hay có những nhận định không đúng đắn hoặc khách quan về những tác động của WTO?

Ông Võ Trí Thành: Việt Nam có được thành tựu như ngày hôm nay là do 3 yếu tố cơ bản. Thứ nhất là cải cách định hướng thị trường. Thứ hai là hội nhập mở cửa có thể là song phương, có thể là khu vực hay đa phương như WTO. Và cuối cùng là việc đảm bảo ổn định kinh tế và xã hội. Đó là 3 nền tảng rất quan trọng cho Việt Nam thu được những thành quả sau 25 năm đổi mới.

Nhìn từ các khía cạnh này có thể thấy hội nhập là điều kiện cần chứ chưa phải điều kiện đủ cho phát triển. Và như vậy phải gắn kết chặt chẽ với ổn định kinh tế vĩ mô và các cải cách trong nước. Với nghĩa đó, theo tôi, đẩy nhanh quá trình hội nhập là cần thiết. WTO không phải là điểm khởi đầu và cũng không phải là điểm cuối cùng của quá trình hội nhập và cải cách của Việt Nam. Nhưng có thể coi WTO là nền tảng căn bản cho quá trình hội nhập và cải cách của Việt Nam.

Điều ấy chúng ta đã thấy qua 4 năm gia nhập WTO, nó có tác động rất nhiều đến quá trình cải cách. Đặc biệt là cải cách thể chế Việt Nam. Những lĩnh vực và phạm vi Việt Nam cam kết là những khuôn khổ sàn rất tốt để chúng ta hội nhập sâu hơn hoặc có những Hiệp định tự do thương mại (FTA) tốt hơn.

Xuất khẩu là lĩnh vực dễ bị tổn thương trước những biến động từ bên ngoài

Nhưng WTO vẫn còn những mức độ mà quá trình mở cửa chưa tận dụng hết cơ hội cho một đất nước còn nghèo như Việt Nam phát triển. Bên cạnh WTO, những yếu tố khác như hợp tác, giao thương đầu tư với các đối tác, đặc biệt các đối tác chiến lược của Việt Nam là rất cần thiết và quan trọng.

** Vậy những yếu kém của nền kinh tế sau 4 năm gia nhập WTO phải được nhìn nhận như thế nào, thưa ông?

Có thể nói, lúc đầu chúng ta vào WTO, hình ảnh của Việt Nam được đánh giá quá cao. Tại thời điểm đó, các luồng vốn dư thừa rất nhiều. Năm 2007 thanh khoản thế giới tràn ngập. Do đó, chúng ta thấy hàng loạt dự án hàng tỷ USD đổ vào Việt Nam. Ngay cả sự nhìn nhận của chúng ta về bản thân chúng ta cũng hơi sai lệch, hơi quá cao, từ cô sinh viên cho tới nhà hoạch định chính sách. Trong khi đó, có những cú sốc từ bên ngoài nhưng mình lại đặt nhiệm vụ tăng trưởng như là một mục tiêu hàng đầu và cố lèo lái làm được. Những cái đó không phù hợp với cách thức quản trị của một nền kinh tế trong bối cảnh mới. Chính vì vậy, điều hành chính sách của chúng ta giật cục, không phù hợp và làm cho bất ổn kinh tế vĩ mô liên tiếp xảy ra.

** Xin cảm ơn ông!./.