Thực hiện mục tiêu Quốc gia về xây dựng nông thôn mới, tỉnh Nghệ An đã đưa ra chỉ tiêu xây dựng nông thôn mới phải gắn với nâng cao giá trị gia tăng, nâng cao sản xuất nhằm phát triển bền vững và ổn định. Hơn 5 năm qua, tỉnh Nghệ An đã xuất hiện hàng trăm hộ nông dân tỷ phú.

Những năm trước đây, ông Nguyễn Trọng Hùng, thôn Phú Tân, xã Tây Hiếu, thị xã Thái Hòa nhiều phen lao đao trong việc tiêu thụ nông sản. Nhưng nay, từ khi có hệ thống đường trải nhựa và bê tông đến tận các thôn, ông Hùng mở thêm nghề vỗ béo dê đực nhốt chuồng, mỗi năm ông xuất 4 lứa, thu lãi ròng 300 triệu đồng. Bên cạnh đó, ông Hùng còn nuôi 30 tổ ong, mỗi vụ thu 200 triệu đồng. Cả thôn Phú Tân của ông đã có 80 hộ nuôi dê vỗ béo, 40 hộ nuôi ong cho thu nhập rất cao.

“Bà con ở đây sản xuất đa dạng hàng hóa, từ trồng cao su, cà phê và nhiều loại cây ăn quả khác. Từ khi có đường giao thông của chương trình nông thôn mới, việc giao thương tiêu thụ hàng hóa thuận tiện, tạo điều kiện cho người cho dân phát triển kinh tế”, ông Hùng cho biết.

vov_img_5681_vnye.jpg
Nghề mới của ông Nguyễn Trọng Hùng ở Tây Hiếu là nuôi dê đực vỗ béo thu lãi mỗi năm 300 triệu đồng.
Thị xã Thái Hòa là 1 trong 2 đơn vị cấp huyện của tỉnh Nghệ An đạt chuẩn nông thôn mới. Sau hơn 5 năm, đã xuất hiện 206 mô hình phát triển kinh tế gia trại, 27 trang trại được cấp giấy chứng nhận đạt theo quy chuẩn của Bộ NN&PTNT.

Toàn tỉnh Nghệ An đã xây dựng được nhiều mô hình sản xuất kinh doanh đem lại hiệu quả cao, có thể nói đến mô hình chăn nuôi gà thịt an toàn sinh học tại các huyện Kỳ Sơn, Tương Dương, Quỳ Châu, Quế Phong; mô hình chăn nuôi bò sinh sản kết hợp trồng cỏ tại các huyện Thanh Chương, Nam Đàn, Quỳnh Lưu, Diễn Châu, Nghi Lộc, Nghĩa Đàn, Thái Hòa...

Tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh đến nay giảm chỉ còn 9,5%; Thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn đạt trên 22,5 triệu đồng/người/năm. Hệ thống đường, điện, trường, trạm, nhà văn hóa phát triển một cách đồng bộ. Nghệ An đã có hàng trăm tỷ phú nông dân trên nhiều lĩnh vực sản xuất kinh doanh khác nhau.

Ông Phạm Văn Thạch, Phó chủ tịch UBND Thị xã Thái Hòa cho biết, toàn xã sau khi xây dựng xong nông thôn mới, số nợ còn rất ít, các cơ sở kinh tế phát triển, đặc biệt các trang trại về chăn nuôi, các trang trại về trồng trọt với các thương hiệu sản phẩm. Người dân phấn khởi vì thu nhập càng tăng, có điều kiện thu về những phần kinh phí đã đóng góp trước đó.

Một điểm đáng ghi nhận trong chương trình xây dựng nông thôn mới ở Nghệ An đã có sự tham gia nhiệt tình của các tầng lớp nhân dân, đặc biệt trong lĩnh vực hiến đất cho phong trào này là hơn 5 triệu mét vuông.

Ông Hồ Hòa Hồng, năm nay 90 tuổi ở xã Nghĩa Tiến, thị xã Thái Hòa tâm sự, trước đây đã từng là một người lính chiến đấu giữ từng tấc đất của Tổ quốc, ngày nay, hưởng ứng phong trào xây dựng nông thôn mới, gia đình sẵn sàng hiến vài trăm mét đất làm đường nông thôn.

Tuy nhiên, hiện nay toàn tỉnh Nghệ An vẫn còn số nợ đọng xây dựng nông thôn mới cao với 615 tỷ đồng. Ông Hoàng Nghĩa Hiếu, Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Nghệ An cho biết, số nợ này có thể sẽ kéo dài đến năm 2019.

“Số nợ xây dựng nông thôn mới toàn tỉnh sẽ phải trả dần cố gắng trong thời hạn 3 năm, dự kiến đên cuối năm 2019, các địa phương trong tỉnh sẽ hoàn thành khoản nợ này”, ông Hiếu cho biết.

Điều đáng ghi nhận từ chương trình xây dựng nông thôn mới ở Nghệ An đến nay đã làm thay đổi căn bản về nhận thức của người dân trong việc tham gia vào quá trình xây dựng bản làng, quê hương một cách chủ động và bền vững./.