Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XIV, ngày 4/11, Quốc hội thảo luận ở hội trường về Kết quả giám sát “Việc thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (giai đoạn 2010 - 2015) gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp".
Phát biểu ý kiến tại hội trường, ĐBQH Nguyễn Sỹ Cương (đoàn Ninh Thuận) cho biết, ông nhất trí cao với những đánh giá nhận định trong báo cáo của Ủy ban thường vụ Quốc hội, Chương trình mục tiêu quốc gia về nông thôn mới thể hiện chủ trương đúng đắn của Đảng và Nhà nước, sau 5 năm thực hiện đã góp phần thay đổi diện mạo nông thôn trong cả nước.
ĐBQH Nguyễn Sỹ Cương |
Theo báo cáo tổng kết 5 năm thực hiện chương trình giai đoạn 2010 – 2015, những kết quả đạt được rất đáng ghi nhận. Đến năm 2015, số xã đạt nông thôn mới là 17,1%. Tuy nhiên, chỉ sau 9 tháng, đến tháng 10/2016, con số tăng lên bất thường là 23%, liệu có việc chạy theo thành tích ở đây không.
Nhưng, thực tế có việc đánh giá xuê xoa, nợ tiêu chí không biết đến bao giờ có thể trả được. Nhiều địa phương chủ yếu chỉ chú trọng các tiêu chí nông thôn mới liên quan đến xây dựng cơ sở hạ tầng mà chưa chú trọng đúng mức đến tiêu chí phát triển sản xuất và nâng cao mức sống cũng như thu nhập của bà con nông dân.
Theo ĐB Cương, việc xây dựng đời sống văn hóa, bảo vệ môi trường cũng chưa được quan tâm đúng mức nên mặc dù được công nhận là nông thôn mới, nhưng người dân ở một số nơi không vui.
Ông Cương phân tích những nguyên nhân gây ra những bấp cập như: việc chạy theo thành tích trước sức ép hoàn thành các tiêu chí, nhiều địa phương đã tự xoay sở tìm mọi cách huy động nguồn lực phục vụ chương trình, dẫn đến các khoản nợ không có khả năng thanh toán.
Theo số liệu thống kê, nhiều tỉnh sa lầy trong nợ đọng xây dựng cơ bản nông thôn mới. ĐB Cương nói: “Tôi phải dùng từ "sa lầy" vì có những tỉnh gần 1.000 tỷ chủ yếu tập trung tại các công trình như trụ sở làm việc, nhà văn hóa. Bên cạnh đó là các dấu hiệu thiếu minh bạch trong xây dựng nông thôn mới, cụ thể đã có những sai phạm như xé lẻ gói thầu thành gói thầu nhỏ tạo điều kiện thuận lợi cho nhà thầu, sau đó làm hồ sơ giao thầu tiếp, tránh chuyện đấu thầu. Hoặc khi tổ chức đấu thầu căn cứ vào chứng thư thẩm định của đơn vị tư vấn, nhưng từ chứng thư thẩm định cho đến hồ sơ dự thầu của các nhà thầu giá thiết bị cao hơn rất nhiều so với thực tế. Một số trạm y tế đầu tư thiết bị trị giá gần 500 triệu đồng, nhưng vẫn thiếu đồng bộ nên vẫn nằm bất động.
ĐB Cương dẫn một ví dụ rất cụ thể: "Cuối tuần qua, tôi đã về thăm gia đình một người bạn, cách trung tâm Thủ đô Hà Nội khoảng 20km, một người dân phản ánh xây hố chứa rác trong các thôn tốn gần 1 tỷ đồng, trong khi đó người dân nói chỉ cần 200 triệu đồng là ổn. Mặc dù đó là phản ánh của người dân, nhưng tôi nghĩ làm sao ngăn chặn được trục lợi và tham nhũng trong xây dựng nông thôn mới".
Ông Cương cho biết thêm, nhiều địa phương rất lãng phí trong xây dựng các công trình. Việc xây dựng các nhà văn hóa, thể thao nhằm cải thiện và nâng cao đời sống tinh thần của người dân. Song, trên thực tế, sau khi đầu tư xây dựng với số tiền hàng chục tỷ nhiều nhà văn hóa vẫn cửa đóng then cài, còn khu thể thao thì vắng lặng đìu hiu.
Lý do một phần là do xây dựng mà nhiều đại biểu đã đề cập đến là xây dựng nhưng không tổ chức các hoạt động, các sự kiện để phát huy tác dụng của nó, phần nữa là nó lại bất tiện vì nằm xa trung tâm cho nên mỗi khi hội họp hay tổ chức một hoạt động gì đó lại tổ chức ở UBND xã cho tiện. Có nơi người dân bức xúc việc xây dựng các nhà văn hóa hay khu thể thao ở một số xã chỉ cốt đạt chỉ tiêu nông thôn mới, không phải vì nhu cầu bức thiết của người dân.
Nói về giải pháp, trong thời gian tới, theo ĐB Cương, để chương trình này đạt hiệu quả, bền vững cũng cần nâng cao chất lượng đời sống của người dân và cần xác định rõ mục tiêu phấn đấu cho từng giai đoạn. Trong giai đoạn trước tập trung nguồn lực để đầu tư hoàn thành các tiêu chí về hạ tầng kỹ thuật. Sang giai đoạn sau những tiêu chí mềm nhưng quyết định đến chất lượng của độ bền vững như sản xuất, cải thiện thu nhập của người dân, trường, lớp học cần được quan tâm một cách đúng mức mà không nhất thiết phải xây dựng mỗi xã một nhà văn hóa, một khu thể thao hay chợ mà tuỳ từng điều kiện và tiềm năng của từng địa phương. Đôi khi những nhà văn hóa, khu thể thao hay chợ cũ, nhưng lại phát huy tác dụng nếu nó vẫn đảm bảo an toàn và nó ở vị trí phù hợp, thuận tiện cho người dân.
Giải pháp thứ hai là mục tiêu của nông thôn mới là nâng cao chất lượng đời sống của người dân, vì thế các công trình dân sinh và hỗ trợ phát triển sản xuất cần được ưu tiên nguồn lực để đầu tư. Bên cạnh đó là cần tổ chức kiểm tra, giám sát tập trung vào những vấn đề quan trọng là làm sao duy trì được các tiêu chí đã đạt được, chứ đừng chỉ cốt thực hiện chỉ tiêu đã đề ra được công nhận nông thôn mới, sau đó thế nào cũng được, như đại biểu đã nêu. Hiện nay, ở miền Trung đang chìm trong nước lũ, thành quả đã đạt được từ chương trình này chắc chắn sẽ mất đi phần nào. Cho nên cần phải đánh giá và khắc phục.
Cuối cùng, thanh tra, phát hiện và xử lý nghiêm các vi phạm, hành vi lợi dụng chương trình để trục lợi theo quy định của pháp luật là việc rất cần làm. Vấn đề làm sao chống được sự lãng phí trong việc triển khai các công trình.
Vì sao nông thôn mới chưa được người dân đón nhận
ĐBQH Ngô Sách Thực (Bắc Giang) cho rằng: Xây dựng nông thôn mới là chương trình ý Đảng lòng dân, nông thôn mới phải gắn liền với tái cơ cấu nông nghiệp mới đem lại hiệu quả và thành công.
Báo cáo của Ủy ban thường vụ Quốc hội đã đánh giá đúng thực trạng, ưu điểm, kết quả giai đoạn 2011- 2015 mới là bước đầu. Bên cạnh đó, còn nhiều hạn chế, tồn tại. Bắc Giang là tỉnh tích cực triển khai thực hiện xây dựng nông thôn mới, đến nay đã có 34/203 xã đạt 19 tiêu chí tương đương với tỷ lệ 17,1% năm 2015 của cả nước.
ĐBQH Ngô Sách Thực |
ĐB Thực nêu: "Nông thôn mới đã được toàn thể người dân đón nhận hưởng ứng hay chưa? Thành quả và hưởng thụ của người dân đã tự giác phát huy vai trò chủ thể hay chưa. Xin thưa rằng là chưa. Bắc Giang đã kịp thời phát hiện những bất cập cũng như trong báo cáo đã nêu và kịp thời chấn chỉnh, hiện nay đã giảm nợ xây dựng cơ bản.
Hiện nay, không khí xây dựng nông thôn mới chúng tôi thấy có phần lắng hơn như thời kỳ đầu. Nguyên nhân chính cũng như những nguyên nhân hạn chế tồn tại trong tái cơ cấu nông nghiệp. Sức cạnh tranh chuỗi giá trị thấp, an toàn thực phẩm, thị trường không ổn định, doanh nghiệp hợp tác xã và nông nghiệp chưa nhiều. Chính sách hỗ trợ một số không còn phù hợp và chưa phát huy được nhằm huy động các nguồn lực khác trong nhân dân. Rõ ràng trong nông nghiệp nông thôn hiện nay cần phải có sự chuyển biến về chất và chúng tôi thấy cần phải tìm động lực mới cho phong trào nông thôn mới".
Vì vậy, ĐB Thực đề nghị đánh giá lại Điểm 1 trong dự thảo nghị quyết có nêu xây dựng nông thôn mới đã trở thành phong trào sâu rộng khắp cả nước. "Giai đoạn vừa qua xây dựng nông thôn mới chủ yếu đề cập đến hạ tầng, còn phương thức sản xuất, năng suất lao động và nông nghiệp chúng ta vẫn cơ bản manh mún và thiếu tính bền vững. Chúng tôi thấy nếu không tập trung vào nội dung này, nông thôn mới cũng chưa có cái mới"./.
Đại biểu Quốc hội lo ngại xây dựng nông thôn mới chạy theo thành tích