Sau khi tốt nghiệp Đại học Kiến trúc Đà Nẵng, anh Nguyễn Thành Trung, ở xã Hoà Phước, huyện Hoà Vang, thành phố Đà Nẵng không tìm được việc làm nên đi lái xe thuê. Thu nhập không đủ trang trải cuộc sống cho cả gia đình, năm 2017, anh Trung quyết định nghỉ lái xe, rồi đi tham quan, học hỏi các mô hình chăn nuôi chim cút lấy trứng ở các tỉnh bạn.
Được hỗ trợ vay vốn 50 triệu đồng từ Huyện Đoàn huyện Hoà Vang và Ngân hàng Chính sách xã hội, anh Trung đã mở rộng trang trại chăn nuôi chim cút lấy trứng. Hiện, mô hình nuôi chim cút của anh Trung có hơn 20.000 con.
Anh Trung cho biết, cút giống mua về khi đã được 21 ngày, anh nuôi thêm 15 ngày nữa là đẻ trứng. Để chim cút sinh trưởng và phát triển tốt, nhiệt độ phải ổn định, chuồng trại luôn sạch sẽ, thoáng mát, đảm bảo đủ ánh sáng, mật độ nuôi không quá dài. Anh Nguyễn Thành Trung cho biết, bình quân mỗi ngày, thu được từ 10.000 - 12.000 quả trứng, các thương lái đến lấy tận nơi. Nuôi chim cút chi phí thấp mà lãi cao, mỗi năm mang lại lợi nhuận khoảng 300 triệu đồng.
“Chuyển qua nuôi mô hình chim cút lấy trứng thời gian tự quản lý được thu nhập hiệu quả cao hơn. Có thanh niên muốn học hỏi kinh nghiệm sẵn sàng chia sẻ. Nuôi chim cút nếu chăm tốt sẻ cho ra từ 13 ngàn trứng một ngày" - anh Trung chia sẻ.
Ở xã Hoà Khương, huyện Hoà Vang, trang trại nuôi cá Thát lát của anh Cao Văn Tới được đánh giá là mô hình thanh niên khởi nghiệp tiêu biểu của thành phố Đà Nẵng. Trang trại của anh Tới có hơn 1.000 ha, có nhiều loại cá trê, cá mè, cá trắm, cá diêu hồng.
Được Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thành phố Đà Nẵng hỗ trợ con giống, thức ăn, kỹ thuật chăm sóc, anh Cao Văn Tới đã mở rộng diện tích ao nuôi cá. Làm ăn có hiệu quả, anh Tới tiếp tục đầu tư xây dựng nhà xưởng với hệ thống máy móc hiện đại để làm chả cá thát lát. Trung bình mỗi ngày, xưởng sản xuất từ 70 - 100kg chả cá, cung cấp cho khách đặt mua qua online và nhập các cửa hàng thực phẩm sạch, nhà hàng ở thành phố Đà Nẵng.
Mô hình nuôi cá và sản xuất chả cá của anh Cao Văn Tới đã mang lại nguồn thu đáng kể, giải quyết việc làm cho một số người dân tại địa phương.
“Nhờ mô hình lập nghiệp hiện nay gia đình tôi không còn khó khăn như trước, có của ăn của để. Mô hình đang phát triển cho nên muốn mở rộng thêm, mong có nhiều kênh hỗ trợ trang thiết bị máy móc, chế biến các loại sản phẩm để đăng ký nhãn hiệu sản phẩm của mình tạo việc làm thêm cho bà con tại địa phương" - anh Tới cho biết.
Tại thành phố Đà Nẵng hiện có hơn 350 mô hình thanh niên khởi nghiệp, mang lại nguồn thu nhập cao. Các bạn đã tạo việc làm cho nhiều lao động là thanh niên hoàn cảnh khó khăn có thu nhập ổn định.
Ông Lê Công Hùng, Phó Bí thư Thành Đoàn Đà Nẵng cho biết: Các cấp bộ Đoàn luôn đồng hành hỗ trợ vốn vay, con giống… giúp thanh niên đầu tư phát triển sản xuất. Qua đó, lan toả tinh thần khởi nghiệp trong thanh niên, cổ vũ thanh niên tự tin trong lao động sản xuất... Hàng năm, Thành Đoàn Đà Nẵng phối hợp Sở Khoa học và Công nghệ thành phố tổ chức các đợt festival khởi nghiệp đổi mới sáng tạo cho thanh niên.
Ông Lê Công Hùng cho biết thêm: “Đây là những tấm gương khởi sáng cho các bạn thanh niên, như mô hình trồng nấm, nuôi cá thát lát, nuôi chim cút. Các bạn cũng mong muốn mở rộng quy mô sản xuất thêm nguồn vốn để hỗ trợ, qua đó giúp được lực lượng lao động tại địa phương. Thành Đoàn cũng như Hội Liên hiệp thanh niên khảo sát và nắm bắt tâm tư hỗ trợ nguồn vốn cho các bạn thanh niên khởi nghiệp"./.