Để ngăn chặn tình trạng khai thác cát lậu, trong những năm qua tỉnh Kon Tum đã tổ chức đấu giá, cấp phép khai thác hàng chục điểm mỏ trên các sông suối trên địa bàn tỉnh. Bên cạnh lợi ích được khẳng định từ sự minh bạch thì tại nhiều điểm mỏ khai thác cát đã nảy sinh sai phạm gây bức xúc trong nhân dân.
Và nguyên nhân dẫn đến tình trạng này không gì khác chính là việc quản lý quá trình khai thác cát, vốn đã được phân cấp cho cơ sở bị buông lỏng, thậm chí là có dấu hiệu cố tình bao che, dung túng cho hành vi sai phạm.
Điểm mỏ khai thác cát trên sông Pô Kô, đoạn chảy qua làng Kà Nhảy, xã Đăk Nông, huyện Ngọc Hồi được UBND tỉnh Kon Tum cấp phép khai thác từ tháng 11/2018 cho Công ty TNHH Một thành viên Lĩnh Vũ.
Theo phản ánh của người dân địa phương, từ khi chưa được cấp phép doanh nghiệp này đã ngang nhiên bơm hút cát, tự ý san ủi một con đường dài khoảng 100m dọc sông Pô Kô đi qua đất của gần 10 hộ dân đang sử dụng.
Anh Lê Văn Kha phản đối việc này thì bị ông A Veo chủ mỏ cát kêu người tới hành hung. Anh Kha cho biết, sự việc đến nay vẫn chưa được giải quyết.
“Khi về tôi thấy một con đường như vậy và dùng cọc rào lại phần đất của mình, nhưng ông A Veo đã đưa người xuống hành hung. Trong lúc đấy có hai cán bộ chứng kiến sự việc, tôi không tiện nêu tên. Tôi kiến nghị xuống xã, nhưng Ủy ban xã lại bao che giải quyết theo hướng có lợi cho ông Veo”, anh Kha nói.
Từ sai phạm không bị ngăn chặn giờ lại trúng đấu giá được cấp phép khai thác, Công ty TNHH Một thành viên Lĩnh Vũ tiếp tục có những việc làm ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân, như: Không thực hiện đúng quy định khai thác về mặt thời gian; quá trình vận chuyển cát mùa khô thì gây bụi bẩn, mùa mưa khiến đường lầy thụt.
Thậm chí doanh nghiệp này còn ngang nhiên lấy đất đá lấp mương thoát nước của đường Hồ Chí Minh để tiện cho xe chở cát qua lại.
Anh Lê Văn Tường, nhà nằm sát đường vận chuyển cát từ điểm mỏ khai thác của doanh nghiệp ra đường Hồ Chí Minh, lo lắng: “Toàn là xe lớn, xe 4 chân chạy khiến nhà bị nứt nên cũng hơi sợ. Rồi ô nhiễm môi trường, nên nhà tôi cứ đóng cửa thường xuyên không lúc nào dám mở cửa. Rồi nước không thể thoát theo mương được dâng nước lên tràn qua đường chảy vào nhà tôi”.
Cùng với ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân, tại một số điểm mỏ khai thác cát trên địa bàn tỉnh Kon Tum còn xảy ra nhiều sai phạm nghiêm trọng.
Điển hình là tại điểm mỏ khai thác cát, cuội, sạn, sỏi trên sông Đăk Pxi, đoạn thuộc thôn 7, xã Đăk Pxi, huyện Đăk Hà. Theo Giấy phép khai thác khoáng sản số 898, ngày 15/9/2020 UBND tỉnh Kon Tum cấp, thì Công ty TNHH 87 chỉ được khai thác bằng phương pháp bơm hút.
Thế nhưng doanh nghiệp này đã sử dụng phương tiện cơ giới tự ý đào đắp một con đường dài hàng trăm mét chia đôi dòng sông để đào hút cát làm thay đổi dòng chảy. Điều lạ lùng là mặc dủ điểm mỏ khai thác cát chỉ cách trụ sở UBND xã Đăk Pxi khoảng hơn 1km, song ông Trần Phước Tuấn, Chủ tịch UBND xã khẳng định không phát hiện sai phạm.
“Ở góc độ xã, chúng tôi thường xuyên chỉ đạo cấp dưới kiểm tra theo dõi, nhưng hiện tại chưa có phát hiện gì” - ông Trần Phước Tuấn khẳng định.
Về phía Phòng Tài Nguyên và Môi trường huyện Đăk Hà, ông Đinh Khánh Hoàng, Phó trưởng Phòng cho biết, tại điểm mỏ khai thác cát trên sông Đăk Pxi, đoạn thuộc thôn 7, xã Đăk Pxi của Công ty TNHH 87, đơn vị có phát hiện sai phạm nhưng có lẽ do quá “thông cảm” với doanh nghiệp nên Phòng chỉ dừng lại ở việc lập biên bản nhắc nhở.
“Ví dụ họ chỉ đăng ký bè, tàu, máy hút trong khi đó là đôi khi họ cũng đưa máy đào xuống thì chúng tôi cũng lập biên bản nhắc nhở nhiều lần. Còn có trường hợp làm đường đi xuống để xe xuống làm việc dưới đó thì cũng đã nhắc nhở, yêu cầu UBND xã kiểm tra. Đến giờ cũng chưa xử lý vi phạm lần nào” - ông Hoàng cho biết.
Trong khi đó sau khi kiểm tra Giấy phép khai thác và hình ảnh từ hiện trường, ông Võ Thanh Hải, Phó Giám đốc Sở Tài Nguyên và Môi trường tỉnh Kon Tum đã khẳng định, những sai phạm xảy ra tại điểm mỏ là rất nghiêm trọng đến mức phải xem xét thu hồi giấy phép.
Theo ông Hải: “Trong quy định là không được bơm hút, đưa máy móc, máy đào xuống dưới lòng sông để múc cát, chỉ được bơm hút lên ghe, từ ghe hút đưa lên bãi chứa. Làm đường trên lòng sông dẫn đường chảy là sai, đây là vi phạm báo cáo đánh giá tác động môi trường và vi phạm trong khai thác khoáng sản. Cái này là phải thu hồi giấy phép”.
Thông tin từ Sở Tài Nguyên và Môi trường tỉnh Kon Tum cho thấy, việc phân cấp quản lý khai thác khoáng sản trên địa bàn tỉnh Kon Tum là rất rõ ràng. Quy trình quản lý cũng rất chặt chẽ.
Mỗi thứ Tư hàng tuần, hàng tháng và hàng quý UBND các huyện, thành phố đều phải báo cáo với Sở Tài Nguyên và Môi trường về tình hình công tác quản lý của địa phương. Thế nhưng thực tế những gì đang diễn ra tại nhiều điểm mỏ khai thác cát trên địa bàn tỉnh Kon Tum cho thấy, việc quản lý quá trình khai thác, vốn đã được phân cấp cho cơ sở nhiều nơi đang bị buông lỏng, thậm chí là có dấu hiệu cố tình bao che, dung túng cho hành vi sai phạm./.