Sáng 21/7, tại Hà Nội, Ngân hàng Nhà nước tổ chức Hội nghị trực tuyến triển khai Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm xử lý nợ xấu và Quyết định của Thủ tướng phê duyệt đề án cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2016 – 2020.
Theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước, trong giai đoạn vừa qua, các tổ chức tín dụng yếu kém được cơ cấu lại, nợ xấu đã được kiềm chế ở mức dưới 3%. Nợ xấu và nợ tiềm ẩn trở thành nợ xấu vẫn còn cao, trên 10%.
Hội nghị trực tuyến triển khai Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm xử lý nợ xấu. |
Trong đó, quan trọng nhất là việc hoàn thiện khuôn khổ pháp lý xử lý, cơ cấu lại tổ chức tín dụng yếu kém; đổi mới thanh tra, giám sát ngân hàng; cơ cấu lại các tổ chức tín dụng theo từng nhóm; các giải pháp về xử lý nợ xấu và hỗ trợ để đảm bảo việc triển khai thành công.
Đối với Nghị quyết 42 của Quốc hội về thí điểm xử lý nợ xấu, theo Thống đốc Ngân hàng Lê Minh Hưng, đây là văn bản pháp lý rất quan trọng khi lần đầu tiên giải quyết được các vấn đề vướng mắc về pháp lý của ngành ngân hàng liên quan đến xử lý nợ xấu và tài sản bảo đảm các khoản nợ của tổ chức tín dụng đã kéo dài nhiều năm qua.
Triển khai được trong thực tiễn sẽ tạo cơ chế xử lý đồng bộ, hiệu quả, khả thi để xử lý nhanh, dứt điểm nợ xấu của tổ chức tín dụng, qua đó góp phần giảm chi phí tài chính, giảm được lãi suất cho vay, khơi thông nguồn vốn phục vụ phát triển kinh tế đất nước.
“Mới đây, Tòa án Nhân dân tối cao đã có văn bản yêu cầu các TAND các cấp và các đơn vị trực thuộc, thống nhất triển khai một số nội dung nhằm giải quyết các tranh chấp liên quan xử lý tài sản bảo đảm của các hợp đồng tín dụng, góp phần xử lý nợ xấu theo tinh thần Nghị quyết 42 của Quốc hội. Đây có thể nói là điểm tháo gỡ và hỗ trợ giải quyết nhiều vướng mắc về xử lý nợ xấu và xử lý tài sản đảm bảo trong thời gian tới sẽ được thực hiện nhanh chóng và thuận lợi hơn”, Thống đốc Lê Minh Hưng nêu rõ.
Tại hội nghị, đại diện các ngân hàng thương mại cũng cho rằng, việc xử lý nợ xấu hiện rất khó khăn, nhiều khoản nợ kéo dài từ 5-7 năm vẫn chưa giải quyết được. Mặc dù ngân hàng có được xử thắng kiện và thi hành án với một tài sản đảm bảo, nhưng do thiếu sự hợp tác của người vay, các cơ chế pháp luật hiện tại cũng bảo vệ quá nhiều cho người vay mà không quan tâm quyền lợi chủ nợ, nên quá trình xử lý nợ xấu còn chậm và khó khăn.
Do đó, các tổ chức tín dụng kỳ vọng Nghị quyết là bước mới để thúc đẩy quá trình xử lý nợ xấu nhanh hơn, tạo thanh khoản cho các khoản nợ cũng như tài sản đã tồn đọng lâu nay.
Trước đó, Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 32 triển khai thực hiện Nghị quyết số 42 của Quốc hội về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng. Theo đó, từ ngày 15/8 tới đây, việc triển khai thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng sẽ được thực hiện, theo Nghị quyết 42 đã được Quốc hội thông qua./.
Chủ tịch Quốc hội: Không dùng ngân sách để trả nợ xấu cho ngân hàng