9 tháng qua, ngành chế biến, xuất khẩu gỗ được xem là điểm sáng xuất khẩu của tỉnh Bình Định, trong đó 6 tháng đầu năm đạt tốc độ tăng trưởng khá. Tuy nhiên, từ đầu tháng 8 đến nay, khi tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, nhiều địa phương giãn cách khiến hoạt động của ngành gỗ gặp nhiều khó khăn như không nhập được nguyên liệu đầu vào, thiếu lao động. Tỉnh Bình Định đang tập trung tháo gỡ khó khăn để nhanh chóng lấy lại đà tăng trưởng.
Gần 2 tháng qua, Công ty TNHH Tân Phú Sơn, doanh nghiệp chuyên sản xuất viên nén gỗ xuất khẩu phải hoạt động cầm chừng. Sản phẩm của Công ty lưu kho ngày càng nhiều do việc tiêu thụ gặp khó khăn. Mặt khác, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, nguồn nguyên liệu đầu vào giảm trầm trọng. Nếu như trước đây, mỗi ngày Công ty nhập từ 200 đến 300 tấn gỗ cây nguyên liệu thì hiện nay, mỗi ngày nhà máy chỉ được cung ứng từ 30 đến 40 tấn.
Ông Võ Thành Nam, Giám đốc Công ty TNHH Tân Phú Sơn, tỉnh Bình Định cho biết, lực lượng lao động cũng thiếu hụt do giãn cách xã hội dài ngày. “Với nguồn nguyên liệu đầu vào giảm mạnh, công ty sản xuất 2 ngày phải nghỉ 1 ngày, dây chuyền sản xuất viên nén chỉ làm vào ban đêm để giảm tiền điện".
Trong thời gian cao điểm phòng chống dịch Covid-19, tại tỉnh Bình Định có 6 nhà máy sản xuất đồ gỗ xuất khẩu phải đóng cửa, 20 nhà máy giảm một nửa công suất hoạt động. Nhiều doanh nghiệp dù đã ký được đơn hàng xuất khẩu gỗ đến cuối năm, thậm chí sang Quý I năm sau nhưng không duy trì được sản xuất.
Ông Dương Ngọc Hiếu, Phó Giám đốc Công ty TNHH Hoàng Hưng, tỉnh Bình Định lo lắng: "Trong các khu công nghiệp hiện nay, các doanh nghiệp gỗ đang thiếu lao động rất nhiều".
9 tháng năm 2021, ngành gỗ đạt giá trị kim ngạch xuất khẩu hơn 665 triệu USD, tăng 32% so với cùng kỳ năm 2020, chiếm khoảng 69% tổng giá trị xuất khẩu của tỉnh Bình. Đầu năm nay, ngành chế biến gỗ tỉnh này tăng trưởng cao nhưng những tháng cuối năm phải đối mặt với nhiều khó khăn do ảnh hưởng đại dịch Covid-19.
Ngoài những khó khăn về nguồn nguyên liệu và nhân công thì các doanh nghiệp chế biến đồ gỗ xuất khẩu ở tỉnh Bình Định còn gặp trở ngại khi nguồn cung ứng nguyên phụ liệu và vật tư từ các tỉnh thành phía Nam bị đứt gãy, giá cước vận tải biển tăng.
Ông Lê Minh Thiện, Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Bình Định khẳng định, các doanh nghiệp gỗ tại Bình Định đang nỗ lực duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh, cố gắng vượt qua những khó khăn do ảnh hưởng dịch bệnh.
"Nguyên vật liệu, các phụ kiện cho ngành gỗ tăng cao, lực lượng lao động thì thiếu hụt do vấn đề giãn cách xã hội. Các doanh nghiệp trong hiệp hội gỗ Bình Định đang cố gắng để làm sao vừa phòng chống dịch vừa đảm bảo sản xuất" - ông Thiên nêu rõ.
Hiện, toàn tỉnh Bình Định chuyển sang áp dụng giãn cách theo Chỉ thị 19 của Thủ tướng Chính phủ. Ban Chỉ đạo phòng chống dịch bệnh tỉnh Bình Định tập trung triển khai nhiều giải pháp tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ các doanh nghiệp tháo gỡ vướng mắc.
Ông Hồ Quốc Dũng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Ban Chỉ đạo phòng chống dịch bệnh Covid-19 tỉnh Bình Định yêu cầu phải ưu tiên nguồn vaccine tiêm cho công nhân để duy trì sản xuất.
Bí thư Tỉnh ủy Bình Định cũng đề nghị Ngân hàng Nhà nước-Chi nhánh tỉnh Bình Định chỉ đạo các ngân hàng thương mại hỗ trợ miễn giảm lãi suất, gia hạn các khoản vay và cho vay mới với lãi suất ưu đãi; Cục Thuế tỉnh Bình Định rà soát, miễn giảm tiền thuê đất, thuế thu nhập doanh nghiệp...
"UBND tỉnh đã thành lập một tổ công tác do đồng chí Phó Chủ tịch UBND phụ trách ngồi lại với các cơ quan Thuế, ngân hàng, công thương, các sở ngành triển khai các giải pháp hỗ trợ cho các doanh nghiệp để tháo gỡ kịp thời. Theo đó cái gì thuộc thẩm quyền của tỉnh thì chúng tôi làm ngay còn chế độ chính sách gì chưa có quy định thuộc thẩm quyền của Trung ương thì chúng ta tập hợp, kiến nghị với Trung ương" - ông Hồ Quốc Dũng nhấn mạnh./.