Hiện nay, 700 doanh nghiệp (trong tổng số 1.500 doanh nghiệp) thực hiện “3 tại chỗ” ở 18 khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao của TP.HCM chỉ duy trì sản xuất với khoảng 1/4 số lao động. Hơn 800 doanh nghiệp tạm dừng hoạt động do dịch bệnh đang chuẩn bị tái khởi động sản xuất trở lại khi có quyết định của TP.
Nhiều doanh nghiệp cho rằng, khi đã xác định thích nghi và sống chung với dịch bệnh Covid-19 thì phải chuẩn bị xử lý tình huống có F0 ở nơi sản xuất. Tránh tình trạng như trước đây, khi doanh nghiệp có vài F0 thì lúng túng, cơ quan chức năng không hỗ trợ xử lý, bóc tách F0 kịp thời nên phải dừng hoạt động cả dây chuyền sản xuất và nhà máy, gây thiệt hại rất nặng cho doanh nghiệp.
Để xử lý, bóc tách nhanh F0 ra khỏi nhà máy và cách ly F1 không để ảnh hưởng đến sản xuất, nhiều doanh nghiệp đề nghị thành phố cho xây dựng các bệnh viện dã chiến, khu thu dung F0, F1 tại các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghiệp cao. Như vậy, cơ quan y tế, doanh nghiệp chủ động xử lý nhanh F0, không phải dừng sản xuất và phụ thuộc vào các bệnh viện bên ngoài. Nguồn kinh phí xây dựng bệnh viện, khu thu dung sẽ do công ty xây dựng cơ sở hạ tầng và doanh nghiệp của các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao đóng góp.
Được biết, Khu chế xuất Linh Trung 2 đang có kế hoạch để xây dựng bệnh viện dã chiến với diện tích 1.500 m2.
Ông Nguyễn Văn Bé, Chủ tịch Hiệp hội các doanh nghiệp ở Khu công nghiệp TP.HCM kiến nghị: “Khi 1 xưởng, 1 bộ phận nào đó phát sinh F0 thì lập tức bệnh viện dã chiến, khu thu dung có đội ngũ tại chỗ bóc tách ngay F0, F1, khoanh lại ở 1 phạm vi nào đó, sau đó nhà máy vẫn hoạt động bình thường. Việc điều hành, vận hành bệnh viện, chí phí điều trị phải nằm trong chính sách chung của nhà nước”./.