Tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu hiện có 129 doanh nghiệp và 290 cơ sở hoạt động sơ chế, chế biến thủy sản với tổng công suất chế biến khoảng 250.000 tấn thành phẩm/năm. Do dịch bệnh kéo dài, đã có có 70% doanh nghiệp vừa và nhỏ thua lỗ hoặc phải tạm ngưng hoạt động.
Để chuẩn bị mở cửa trở lại, việc tiêm vaccine cho người lao động là vấn đề được các doanh nghiệp quan tâm hàng đầu. Các doanh nghiệp cho rằng, nếu người lao động không được tiêm đủ 2 mũi thì sẽ rất khó khi hoạt động trở lại, có thể dẫn đến đóng cửa.
Ông Lê Văn Kháng, Chủ tịch HĐQT Công ty chế biến xuất nhập khẩu thuỷ sản Côn Đảo (Coimex) cho biết, 5 lần giãn cách xã hội đồng nghĩa với hơn 70 ngày doanh nghiệp phải đóng cửa vì không đảm bảo “3 tại chỗ”, công ty gần như kiệt quệ. Khi chuẩn bị trở lại sản xuất, người lao động buộc phải được tiêm vaccine theo quy định nhưng đến nay lao động tại doanh nghiệp này vẫn chưa được tiêm vaccine theo kế hoạch đăng ký.
Ông Kháng đề nghị, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu nên phân bổ nguồn vaccine để doanh nghiệp tự tổ chức tiêm cho người lao động. Cách làm hiện nay là giao cho địa phương tổ chức tiêm rất bất cập.
"Các doanh nghiệp mong muốn lớn nhất hiện nay là làm sao có vaccine tiêm cho người lao động. Nếu có vaccine thì ngành y tế có thể đến từng doanh nghiệp tiêm cho người lao động, chứ giao cho địa phương thì không đồng bộ. Có danh sách đăng ký tiêm, bao nhiêu liều thì Sở Y tế phân công đến tiêm. Nếu không tiêm thì doanh nghiệp không tái sản xuất, phá sản hết", ông Khang bày tỏ.
Việc đóng Bảo hiểm xã hội (BHXH) cho người lao động trong giai đoạn này cũng là một khó khăn với doanh nghiệp. Nhiều doanh nghiệp cho rằng, Bà Rịa – Vũng Tàu cần áp dụng linh hoạt việc đóng bảo hiểm trong thời gian giãn cách, vừa đảm bảo đúng quy định, vừa đảm bảo quyền lợi người lao động cũng như tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.
Theo ông Trần Văn Dũng, Tổng giám đốc Công ty cổ phần chế biến, xuất nhập khẩu thuỷ sản Bà Rịa – Vũng Tàu (Baseafoot), theo Luật BHXH lao động làm đủ 14 ngày thì được đóng bảo hiểm. TP Vũng Tàu áp dụng giãn cách xã hội từ ngày 19/7, có nghĩa là lao động làm việc từ ngày 1 đến ngày 18/7, đủ thời gian đóng bảo hiểm (là 14 ngày). Từ ngày 19/7 giãn cách xã hội công nhân nghỉ làm, tuy nhiên doanh nghiệp vẫn phải đóng 11 ngày còn lại của tháng 7, đây là điều chưa hợp lý.
Ông Dũng dẫn chứng thêm, đến lần giãn cách xã hội thứ 2, từ ngày 2/8 – 15/8 công nhân nghỉ ở nhà, hết giãn cách công nhân quay lại làm việc đúng 14 ngày (từ 16 – 30/8) và doanh nghiệp lại phải đóng trọn 1 tháng.
Ông Dũng kiến nghị: "Đúng ra BHXH phải xem xét lại thực trạng này để hỗ trợ cho doanh nghiệp, tức là công nhân làm có nửa tháng nhưng phải đóng trọn 1 tháng, rất bất cập. Luật không thể sửa, nhưng trong thời điểm giãn cách xã hội rất khó khăn cho doanh nghiệp thì nên điều chỉnh lại".
Chi phí sản xuất tăng cao do thực hiện phòng chống dịch phải xét nghiệm 3 ngày 1 lần, lo ăn ở cho người lao động khi thực hiện “3 tại chỗ”… khiến nhiều doanh nghiệp chế biến thuỷ sản gần như kiệt quệ, thua lỗ phải tạm ngưng hoạt động. Doanh nghiệp đang rất trông chờ vào những chính sách hỗ trợ của nhà nước để có thể chủ động khôi phục sản xuất./.