Đây là con số đáng báo động về tình trạng nhập khẩu phế liệu được đưa ra tại cuộc họp liên ngành tìm giải pháp xử lý phế liệu tồn đọng tại các cảng biển do Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức sáng nay 12/7. Trước những nguy cơ Việt Nam trở thành bãi thải phế liệu của thế giới, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) đề xuất cấm nhập khẩu phế liệu ở dạng tạm nhập tái xuất vào Việt Nam.

Theo báo cáo của Bộ TN&MT, từ cuối năm 2017, Trung Quốc dừng nhập khẩu 24 loại phế liệu khiến các nước trước đây vẫn xuất khẩu chất thải rắn, phế liệu sang Trung Quốc như Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Canada, các nước Bắc Âu phải tìm đối tác thị trường khác như Việt Nam, Malaysia. Do đó, một lượng lớn hàng phế liệu nhập khẩu từ các nước đang phát triển đã tràn về khu vực Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam.

viet_nam_co_nguy_co_tro_thanh_bai_thai_cua_the_gioi_uupt.jpg
Việt Nam có nguy cơ trở thành bãi thải của thế giới (Ảnh minh họa: KT)

Tính đến ngày 26/6/2018 số lượng phế liệu nhập khẩu tồn đọng tại Tân cảng Sài Gòn là gần 4.500 container, trong đó riêng cảng Cát Lái là hơn 3.400 container. Tại Hải Phòng, đang tồn đọng số container quá hạn trên 90 ngày là hơn 700 container.

Nguyên nhân của tình trạng tồn đọng, theo ông Hoàng Văn Thức, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường là do những khe hở trong quản lý khiến cho việc tồn tại các container phế liệu nhập khẩu không chủ.

Theo ông Hoàng Văn Thức, đã xuất hiện tình trạng một số tổ chức, cá nhân đăng ký địa chỉ ma nhưng cố tình nhập khẩu phế liệu không đáp ứng quy chuẩn nên cơ quan hải quan không thể liên hệ được. Nhiều địa chỉ ghi trên mạng nhưng khi tìm đến thì không có. Vì thế, một số lượng lớn container tồn tại tồn đọng lâu ngày, có thể tồn đọng đến 5-6 năm mà không có người đến nhận.

Để ngăn chặn tình trạng phế liệu ồ ạt nhập khẩu vào Việt Nam, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà cho biết sẽ báo cáo Chính phủ về thực trạng, tình hình, xu thế đối với vấn đề nhập khẩu, sử dụng phế liệu của những nước trong khu vực và nước ta. Đồng thời, cần thiết lập ngay cơ chế trao đổi thông tin giữa các bên liên quan như Bộ Tài chính, Tài nguyên - Môi trường, Công thương, Giao thông vận tải, Công an, Quốc phòng... và các cơ quan chuyên môn của địa phương để kịp thời xử lý những vấn đề phát sinh. Bộ trưởng Trần Hồng Hà cũng đã đề xuất giải pháp cấm nhập khẩu phế liệu ở dạng tạm nhập tái xuất vào Việt Nam.

“Đối với các lô hàng nhập khẩu vào Việt Nam là mặt hàng có điều kiện. Bởi vậy, đề nghị bộ hồ sơ hoàn chỉnh. Nếu không có giấy nhập khẩu phế liệu của bên xuất khẩu, bên nhập khẩu không cho đưa hàng lên tàu và về Việt Nam không có không được nhập khẩu. Trong tất cả các vấn đề không làm được thì hãng tàu phải chịu trách nhiệm. Phòng vệ phải như vậy mới được. Không thể để tình trạng buôn bán trái phép diễn ra như vậy”, Bộ trưởng Trần Hồng Hà nhấn mạnh./.