Góp ý về Dự thảo Thông tư quy định về kiểm tra chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường xe cơ giới nhập khẩu của Bộ GTVT, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) mới đề xuất bỏ quy định hồ sơ xe nhập khẩu phải có "Bản chính Giấy chứng nhận chất lượng của nhà sản xuất cấp cho xe cơ giới thực tế nhập khẩu” hoặc “Phiếu kiểm tra chất lượng xuất xưởng".

Sở dĩ VCCI đưa ra đề xuất này vì nhận thấy, trong các trường hợp xe phải kiểm tra thực tế tại Việt Nam, quy định này trong Dự thảo là không cần thiết, gây khó khăn, phức tạp về thủ tục hành chính, không có tác dụng bảo đảm chất lượng xe theo quy định của pháp luật Việt Nam.

xenk_jpeg_imou.jpg
Dự thảo quy định xe nhập khẩu phải có Bản chính Giấy chứng nhận chất lượng của nhà sản xuất cấp cho xe cơ giới thực tế nhập khẩu hoặc Phiếu kiểm tra chất lượng xuất xưởng. (Ảnh minh họa: KT)
Trong khi đó, việc kiểm tra chất lượng xe nhập khẩu tại Việt Nam hiện đang được tiến hành rất chặt chẽ, bao gồm nhiều phương thức kiểm tra tương ứng với từng loại phương tiện. Cơ quan đăng kiểm của Việt Nam vẫn có thể tra cứu các thông tin của nhà sản xuất thông qua số VIN của xe. Cho nên, một phương tiện dù không có những giấy giấy tờ này nhưng qua được vòng kiểm tra của Cơ quan Đăng kiểm sẽ đáp ứng các yêu cầu chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường theo pháp luật Việt Nam.

Hơn nữa, tiêu chuẩn, nội dung và cách thức kiểm tra của nhà máy tại nước ngoài có thể có khác biệt so với quy định tại Việt Nam. Do đó, việc có “Giấy chứng nhận chất lượng của nhà sản xuất” hoặc “Phiếu kiểm tra chất lượng xuất xưởng” cũng không thể giúp khẳng định rằng phương tiện đó phù hợp với quy định pháp luật Việt Nam.

“Việc bắt buộc phương tiện phải có những giấy tờ này là yêu cầu một phương tiện phải được kiểm tra 2 lần, với nhiều nội dung trùng lặp, không cần thiết, gây tốn kém chi phí xã hội. Các chi phí này cuối cùng sẽ được chuyển vào giá bán phương tiện đến tay người tiêu dùng. Trong trường hợp phương tiện được kiểm tra tại Việt Nam và không đáp ứng quy chuẩn của Việt Nam thì pháp luật đã có yêu cầu phải tái xuất. Đây là hình thức quản lý phù hợp”, VCCI nhận định.

Cũng theo VCCI, yêu cầu có “Bản chính Giấy chứng nhận chất lượng của nhà sản xuất” hoặc “Phiếu kiểm tra chất lượng xuất xưởng” đối với mọi phương thức kiểm tra gây ra khó khăn, thậm chí đến mức không thể đối với các doanh nghiệp nhập khẩu xe thông qua phân phối.

Bởi vì, theo phản ánh của các doanh nghiệp nhập khẩu xe ô tô, chỉ có xe nhập trực tiếp từ nhà máy sản xuất mới có thể có bản chính giấy tờ này đưa về Việt Nam, còn các xe nhập khẩu qua một bên phân phối trung gian thì không thể có. Nhà phân phối buộc phải giữ lại bản chính của “Giấy chứng nhận chất lượng của nhà sản xuất” hoặc “Phiếu kiểm tra chất lượng xuất xưởng” nhằm mục đích hoàn thuế giá trị gia tăng đối với hàng hóa xuất khẩu. Do đó, quy định như Dự thảo sẽ chỉ cho phép các doanh nghiệp nhập khẩu xe trực tiếp từ nhà sản xuất mà loại bỏ các doanh nghiệp nhập khẩu xe thông qua nhà phân phối.

“Quy định này sẽ có tác động không khác gì so với quy định phải có Giấy ủy quyền chính hãng của nhà sản xuất tại Thông tư 20/2011/TT-BCT đang được dư luận phản ánh thời gian gần đây. Thay vì Giấy ủy quyền của nhà sản xuất cho từng doanh nghiệp nhập khẩu xe, nay Giấy tờ mới này cũng sẽ do nhà sản xuất cấp cho từng chiếc xe. Thông qua đó, các hãng sản xuất hoàn toàn có thể bắt ép doanh nghiệp và người tiêu dùng Việt Nam phải mua xe từ nhà sản xuất thay vì có thể mua thông qua nhà phân phối. Đây chính là hành vi hạn chế nhập khẩu song song đã bị cấm theo Điều 125.2.b của Luật Sở hữu trí tuệ”, VCCI chỉ rõ.

Một ý kiến khác từ VCCI cũng không kém phần quan trọng, đó là các nhà sản xuất thường ngăn cấm việc một số thương nhân đưa sản phẩm tại thị trường giá thấp về bán tại thị trường có giá cao - gọi là nhập khẩu song song. Tuy nhiên, quy định này của nhà sản xuất không được pháp luật Việt Nam cho phép theo quy định tại Điều 125 của Luật Sở hữu trí tuệ.

Bởi lẽ, việc Việt Nam cho phép nhập khẩu song song sẽ mang lại lợi ích cho người tiêu dùng và hạn chế quyền của các chủ nhãn hiệu nổi tiếng trên thế giới. Đây là vũ khí của Việt Nam nhằm bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng trong nước chống lại việc thu lợi bằng cách quyết định giá chênh lệch cho từng thị trường của các tập đoàn đa quốc gia.

“Việc đặt ra các quy định như Giấy ủy quyền của nhà sản xuất (tại Thông tư 20) hay “Giấy chứng nhận chất lượng” hoặc “Phiếu kiểm tra chất lượng của nhà sản xuất” (tại Dự thảo Thông tư này) đã trao một thương quyền quá lớn cho nhà sản xuất tại nước ngoài mà bỏ qua quyền lợi của người tiêu dùng tại Việt Nam”, VCCI nêu rõ.

Cũng theo VCCI, Dự thảo quy định cơ quan đăng kiểm chỉ lấy ngẫu nhiên 1 xe mẫu của mỗi kiểu loại xe nhập khẩu. Nhưng với xe sản xuất trong nước, trước khi xuất xưởng, nhà sản xuất phải thực hiện kiểm tra 100% số xe mà không được lựa chọn ngẫu nhiên.

Quy định này theo VCCI thì vô hình chung đã có sự khác biệt giữa xe sản xuất trong nước và xe nhập khẩu. Do vậy, để bảo đảm chất lượng phương tiện cũng như sự công bằng, cơ quan soạn thảo nên quy định theo hướng yêu cầu các xe còn lại sẽ phải xuất trình Giấy chứng nhận chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường hoặc giấy tờ tương đương.

VCCI cũng đề nghị cơ quan soạn thảo quy định rõ căn cứ, tiêu chí để tiến hành việc kiểm tra hậu kiểm khi có đơn tố cáo của người tiêu dùng, khi có tỷ lệ số vụ tai nạn giao thông do loại phương tiện đó gây nên trên tổng số phương tiện loại đó đang lưu thông tăng, hoặc ở mức cao… Đồng thời, cơ quan soạn thảo cần quy định rõ hơn về các hình thức xử lý khác nhau cũng như thẩm quyền xử lý của cơ quan kiểm tra đối với những trường hợp kiểm tra phát hiện ra sai phạm./.