Thị trường đang có sự phân hóa cực kỳ rõ nét
Thị trường chứng khoán hồi phục nhưng thiếu thuyết phục cả về mặt điểm số lẫn thanh khoản. Giá trị giao dịch phiên giao dịch 19/1 trên HSX chỉ đạt 22.986 tỷ, thấp hơn 28,4% so với trung bình 10 phiên gần nhất và bằng gần đúng phiên hôm qua. Điều này cho thấy tâm lý của giới đầu tư lúc này là rất thận trọng, dòng tiền dường như vẫn đang đứng ngoài và chưa quay trở lại sau những ngày giảm sâu.
Nhiều nhóm ngành hồi phục mạnh trong phiên 19/1 nhưng vẫn có tới 10/21 nhóm ngành giảm giá. Điểm tích cực là mức giảm của các nhóm ngành này hầu hết là rất nhẹ. Dẫn dắt tăng điểm phải kể đến bộ đôi chứng khoán (+4,4%) và khu công nghiệp (+4,6%). Nhóm ngân hàng (-0,9%) sau khi đóng vai trò lực đỡ cho thị trường trong các phiên trước đó thì phiên 19/1 điều chỉnh nhẹ. Đối với nhóm bất động sản (+0,1%), bắt đầu xuất hiện sự phân hóa mạnh: những mã đã tăng nóng thời gian trước như DIG, CEO, QCG… vẫn chưa được “cầm máu”, ngược lại các cổ phiếu bất động sản không tăng nóng thời gian trước như: NLG, DXG… lại có sự hồi phục khá tốt. Kết phiên giao dịch ngày 19/1, VN-Index tăng 3,85 điểm (+0,27%) lên 1.442,79 điểm. Độ rộng trên sàn HOSE được cải thiện so với phiên trước đó với 250 mã tăng (25 mã tăng trần), 41 mã tham chiếu, 217 mã giảm (48 mã giảm sàn).
Theo các chuyên gia của Công ty cổ phần Chứng khoán Kiến Thiết (CSI), diễn biến chung của thị trường đang có sự phân hóa cực kỳ rõ nét, những doanh nghiệp có nền bản cơ bản tốt, mức định giá không bị thổi phồng quá mức sẽ không còn bị bán tháo như các phiên gần đây.
“Xung lực hồi phục của thị trường là khá yếu. Chưa có tín hiệu tích cực rõ nét cho thấy xu hướng tăng điểm, vì thế, phiên tăng điểm ngày 19/1 chỉ là phiên hồi kỹ thuật sau nhiều phiên giảm mạnh trước đó. Vì vậy, nhà đầu tư vẫn nên thận trọng trong giai đoạn hiện nay và tiếp tục ưu tiên căn bán, giảm tỷ trọng ở những phiên hồi tăng điểm, đưa tài khoản về trạng thái an toàn. Kiên nhẫn chờ thêm thời điểm có tín hiệu xác nhận rõ ràng hơn từ biên độ tăng và thanh khoản để mở vị thế mua trở lại”, chuyên gia của CSI lưu ý.
Xu hướng ngắn hạn của thị trường chung vẫn duy trì ở mức giảm
Còn theo nhóm phân tích của Công ty cổ phần Chứng khoán Sài Gòn – Hà Nội (SHS), tâm lý nghỉ Tết sớm đang xuất hiện trên thị trường thể hiện qua việc thanh khoản khớp lệnh tiếp tục suy giảm thấp hơn mức trung bình trong bốn phiên liên tiếp. Với việc VN-Index hồi phục nhẹ và tiếp tục kết phiên trong vùng hỗ trợ 1.400-1.450 điểm (tương ứng với vùng đáy của thị trường trong tháng 12/2021) và với nền tảng thanh khoản thấp như hiện tại thì khả năng thị trường tiếp tục giảm mạnh trong thời gian tới là khó xảy ra. Thay vào đó, VN-Index có thể sẽ tiếp tục trạng thái giằng co với biên độ trong khoảng 1.400-1.450 điểm và nếu có thể vượt qua được ngưỡng 1.450 điểm thì có thể kỳ vọng vào một nhịp hồi phục trong thời gian tới.
“Nhà đầu tư đã tham gia bắt đáy trong phiên 12/1 và đã gia tăng tỷ trọng cổ phiếu trong phiên 18/1 có thể tiếp tục canh những nhịp điều chỉnh về ngưỡng hỗ trợ tâm lý 1.400 điểm (nếu có) trong phiên tiếp theo để gia tăng tỷ trọng cổ phiếu nhằm hướng đến sóng tăng của thị trường có thể diễn ra sau kỳ nghỉ Tết”, chuyên gia của SHS nêu quan điểm.
Các chuyên gia của Công ty Chứng Khoán Yuanta Việt Nam (YSVN) cho rằng, chỉ số VN-Index có thể sẽ tiếp tục giằng co trong vùng 1.440 – 1.450 điểm trong phiên giao dịch kế tiếp. Đồng thời, lực cầu bắt đáy có dấu hiệu gia tăng và rủi ro ngắn hạn có chiều hướng giảm dần khi chỉ báo tâm lý giảm mạnh vào vùng bi quan quá mức. Điểm tiêu cực là dòng tiền vẫn chưa hoàn toàn được giải phóng khỏi nhóm cổ phiếu “đầu cơ” có vốn hóa vừa và nhỏ.
“Xu hướng ngắn hạn của thị trường chung vẫn duy trì ở mức giảm. Do đó, các nhà đầu tư ngắn hạn nên hạn chế bán ra giai đoạn hiện tại và ưu tiên hạ margin tại các nhịp hồi để giảm rủi ro của danh mục. Đồng thời, các nhà đầu tư ngắn hạn vẫn nên tiếp tục đứng ngoài và hạn chế mua mới trong giai đoạn này”, chuyên gia của YSVN khuyến nghị./.