Mới đây, Bộ Kế hoạch và Đầu tư công bố báo cáo thực hiện Quy hoạch sân golf theo Quyết định số 1946 ngày 26/11/2009 của Thủ tướng Chính phủ. Có rất nhiều điều đáng bàn từ bản báo cáo thực tế này. Đó là, các tỉnh, thành đã không thực hiện nghiêm chỉ đạo của Thủ tướng; không những thế, nguy cơ sân golf lại "phình ra" là có thật, điều mà cách đây chỉ 1 năm, Thủ tướng đã nghiêm túc chỉ đạo rà soát cắt giảm các dự án sân golf.

Cách đây hơn 1 năm, câu chuyện “lạm phát” sân golf nóng đến mức trở thành vấn đề lớn và gay cấn đặt trên bàn nghị sự của Quốc hội. Còn nhớ 2 bộ trưởng của 2 bộ chịu trách nhiệm liên đới đến vấn đề này là Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH-ĐT); Bộ Tài nguyên và Môi trường đã phải trực tiếp trả lời chất vấn của các đại biểu Quốc hội vì có nhiều ý kiến không đồng tình về việc Việt Nam có quá nhiều sân golf, ảnh hưởng lớn đến diện tích đất lúa, gây tổn hại môi trường…

Bộ trưởng Bộ KH-ĐT Võ Hồng Phúc trong một lần trả lời phỏng vấn mới đây đã khẳng định, một trong những điều ông làm được và thấy tâm đắc đó là kiến nghị loại bỏ 76 sân golf trong tổng số 166 sân golf đã được đăng ký cấp phép và triển khai. Ấy vậy mà chỉ hơn 1 năm kể từ khi Thủ tướng có quyết định quy hoạch lại sân golf, lại nảy sinh hiện trạng khó tin: Qua kiểm tra, phát hiện có đến 27 sân golf thuộc 13 tỉnh nằm ngoài danh mục qui hoạch sân golf và không hề phù hợp với qui hoạch sử dụng đất được duyệt?!.

Rõ ràng đã có tình trạng “tiền trảm, hậu tấu” khi trong số 27 sân golf nằm ngoài qui hoạch này, có 5 dự án sân golf đang triển khai xây dựng; 5 dự án đã được cấp giấy chứng nhận đầu tư của cơ quan thẩm quyền trước khi có Quyết định 1946 của Thủ tướng Chính phủ. Như vậy, chính quyền địa phương đã không thực hiện nghiêm chỉ đạo của Thủ tướng.

san-golf-trong.jpg

Sân golf 9 lỗ cạnh hồ Đạ Ròn (Đơn Dương, Lâm Đồng) được triển khai theo hướng "ăn" đất hoa màu, đất trồng lúa của dân (ảnh: Internet)

Điều đáng nói nữa là, ngay ở thời điểm trước khi Bộ KH-ĐT thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng, nhiều chuyên gia kinh tế, nhiều đại biểu Quốc hội đã chỉ rõ bản chất của sự “lạm phát” sân golf là gì, hệ lụy của nó ra sao, và đằng sau sân golf là những lợi ích tài chính...

Cụ thể, trong tổng số 90 dự án sân golf nằm trong qui hoạch, chỉ có 21 dự án là kinh doanh sân golf, còn lại 69 dự án khác kết hợp kinh doanh sân golf và kinh doanh bất động sản. Hay nói cách khác, hiệu quả đầu tư của các dự án sân golf hoặc các dự án có mục tiêu sân golf hiện nay chủ yếu là từ việc kinh doanh bất động sản, tức là bán và cho thuê biệt thự trong khu vực dự án. Nếu như việc kinh doanh sân golf chỉ dựa vào nguồn thu phí chơi golf từ các khách chơi (khoảng 100 USD/ngày/lượt) thì hiệu quả thấp, chậm thu hồi vốn.

Cách đây hơn 1 năm, hệ lụy đã được chỉ rõ, bất cập đã thấy, các địa phương tự động cắt giảm sân golf. Ấy vậy mà 1 năm sau, rất nhiều tỉnh, thành khởi động kế hoạch xin mở sân golf như Bắc Ninh, Quảng Ngãi, Thanh Hóa, Thái Nguyên, Hải Phòng, Thái Bình, Đắk Lắk, Quảng Ninh… Số sân golf dự kiến “xin thêm” có thể là 34 sân. Điều đó cũng có nghĩa, quy hoạch sân sân golf được Thủ tướng phê duyệt cách đây 1 năm có nguy cơ “phình” ra rất nhiều, từ 90 sân lên 124 sân golf. Không rõ các tỉnh, thành vin vào cớ gì để xin mở sân golf, chỉ biết rằng, Bộ KH-ĐT đang rất lúng túng không biết giải quyết thế nào trước thực tế này? Chấp nhận hay từ chối đề xuất của các địa phương đều không phải đơn giản vì nó còn gắn với 2 chữ “trách nhiệm”.

Trước tình thế đó, Bộ KH-ĐT trình Chính phủ 3 phương án, nhưng nghiêng về phương án 3 là cấp phép “cứng” số lượng sân golf đến năm 2020 là 118 sân chứ không phải là 90 sân như hiện tại, bao gồm 85 sân golf đã có trong qui hoạch và bổ sung 33 sân golf hiện nằm ngoài danh mục đã được quy hoạch. Chưa biết, Chính phủ sẽ quyết thế nào, nhưng bài toán bao nhiêu sân golf là đủ lại quá khó, và rất cần sự tính toán khoa học.

KTS. Trần Huy Ánh, hội viên Hội Kiến trúc sư Việt Nam: Tôi không ủng hộ!

** Ông bình luận như thế nào về nguy cơ “phình” sân golf hiện nay?

Với mặt bằng thu nhập hiện nay của người dân Việt Nam, việc có quá nhiều sân golf là một điều xa xỉ. Như thế, trước tiên xét về mặt tâm lý đã là không ổn, về kinh tế cũng không ổn, và về mặt môi trường càng không ổn. Trên mọi phương diện đều không có lợi ích mà ta lại đi theo hướng ấy. Còn bao nhiêu vấn đề cần được tập trung ưu tiên mà không làm, sao chỉ vì lợi ích một nhóm người mà cứ theo đuổi như thế?

** Theo báo cáo của Bộ KH-ĐT, hiệu quả của sân golf lớn hơn việc đất bị để không hoặc làm nông nghiệp. Quan điểm của ông thế nào?

Nhìn nhận con số một cách đơn giản như thế thì có thể nói đào đất xúc đi bán còn nhanh giàu hơn làm nông nghiệp. Nhưng vấn đề là ảnh hưởng của nó đối với những vùng xung quanh về nguồn nước, về sự phát triển bền vững khi việc kiểm soát môi trường đối với chất độc hại từ việc chăm sóc sân golf, và lượng nước để chăm sóc cỏ ở các sân golf sẽ ảnh hưởng tới nguồn nước ngầm và nguồn nước mặt như thế nào thì chưa có thống kê, tổng kết. Nhiều nước xung quanh ta như Philippines, Malaysia, Thái Lan... đã thất bại và phải hạn chế rồi. Chính phủ cũng đã thấy và cấm rồi, tại sao lại còn để vượt số sân golf?

Tất cả các dự án sân golf đều chiếm diện tích rất lớn. Sân golf sẽ làm gia tăng giá trị bất động sản của nó. Giá trị bất động sản của sân golf đem lại lợi ích cho những ai? Có phải là số đông hay chỉ cho một số nhà đầu cơ. Mà đầu cơ liệu có đem lại sự phát triển bền vững cho các địa phương mở sân golf, hay chỉ đem lại lợi ích cho các nhà đầu tư? Khi đền bù đất nông nghiệp thì giá rất rẻ. Còn khi thành bất động sản nằm trong sân golf thì giá rất đắt. Bài toán phân tích ở đây phải rất tổng hợp. Phải tính chênh lệch địa tô từ việc thu hồi đất vài triệu bạc rồi bán với giá 50 - 60 triệu chẳng hạn...

** Xin cảm ơn ông!./.