Dịch Covid-19 diễn ra 2 năm qua khiến nền kinh tế bị tổn thương nặng nề, trong đó làn sóng dịch thứ 4 gây ra nhiều tổn thất nhất. Tuy nhiên, khó khăn cũng là cơ hội để các doanh nghiệp (DN) nỗ lực hơn trong việc chuyển đổi số và thương mại điện tử (TMĐT) chính là chiếc phao cứu sinh giúp các DN Việt Nam bước qua những khó khăn trong chặng đường vừa qua.
Báo cáo “Việt Nam: TMĐT tăng tốc sau Covid-19” của Hiệp hội TMĐT Việt Nam (VECOM) cho thấy, sự xuất hiện làn sóng TMĐT bộc lộ hai tín hiệu quan trọng. Tín hiệu thứ nhất là người tiêu dùng trực tuyến tăng lên nhanh chóng cả về số lượng và chất lượng. Tín hiệu thứ hai là số lượng thương nhân tham gia chuyển đổi số tăng mạnh.
Ông Trần Văn Trọng, Tổng Thư ký Hiệp hội TMĐT Việt Nam (VECOM) cho hay, trong đợt dịch thứ tư hầu hết hoạt động bán hàng bị phong toả, thậm chí nhiều mặt hàng thiết yếu không được bán trực tiếp mà chỉ được bán trực tuyến. Trong hoàn cảnh đó, các thương nhân đã sử dụng nhiều công cụ số để có thể duy trì mối quan hệ với khách hàng, bán hàng online, bao gồm bán hàng trên các sàn TMĐT, tại website hay ứng dụng di động của đơn vị và trên các mạng xã hội.
“Các sàn TMĐT trở thành kênh kinh doanh bán hàng hiệu quả cho DN, đặc biệt là nhóm những DN vừa và nhỏ, các DN siêu nhỏ hay hộ kinh doanh, cá nhân. Nhiều giải pháp kinh doanh mới trên sàn được đẩy mạnh như việc khai thác các kênh livestream, tổ chức các chương trình khuyến mại...”, ông Trọng cho biết.
Khảo sát về xu hướng TMĐT trong đợt dịch thứ 4 của VECOM cũng cho thấy, số người tiêu dùng trực tuyến mới tiếp tục tăng lên và đông đảo người mua đã trở thành người tiêu dùng thông minh, thành thạo kỹ năng mua sắm trực tuyến hơn, thậm chí một bộ phận người tiêu dùng đã ưu tiên mua sắm trực tuyến so với mua sắm truyền thống. Điểm nổi bật là nhiều người chưa từng mua sắm trực tuyến đã tiếp cận và sử dụng kênh này, đồng thời những người đã từng mua sắm trực tuyến đã mua sắm nhiều hơn.
Nhận định về xu hướng tiêu dùng của người dân hiện nay, đại diện kênh bán hàng trực tuyến Lazada cho biết, nhu cầu mua hàng chính hãng của người tiêu dùng tăng cao trong giai đoạn người dân tuân thủ giãn cách xã hội và hạn chế ra đường mua sắm.
Thực tế cho thấy, sau thời gian dài chống chọi với dịch bệnh, cả DN và người tiêu dùng đều nhìn nhận, TMĐT chính là “chìa khóa” để dòng chảy tiêu dùng không bị ùn tắc. Bản thân các DN, thương nhân cũng tìm đến TMĐT nhiều hơn, cung cấp nhiều sản phẩm tốt, chất lượng hơn để thu hút sự quan tâm của người tiêu dùng.
Bà Nguyễn Thị Thanh Thùy, Trưởng phòng TMĐT, Sàn TMĐT Voso đưa ra nhận định, thị trường TMĐT Việt Nam được ghi nhận có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất khu vực Đông Nam Á, có thể vượt xa mốc 11,8 tỷ USD năm 2020. Đặc biệt sau đại dịch Covid-19 TMĐT sẽ tiếp tục bùng nổ, tạo ra những xu hướng tiêu dùng mới.
Đánh giá về các mô hình kinh doanh trong thời gian tới, giới chuyên gia kinh tế cho rằng, các kênh mua sắm trực tuyến, các cửa hàng chuyên doanh, cửa hàng tiện ích sẽ tiếp tục đem lại sự tăng trưởng cao trong thời gian tới. Các mô hình này đã và đang tạo ra sự tiện lợi cho người tiêu dùng, đáp ứng đúng thời thế cũng như được trợ lực từ những chương trình mở rộng chuỗi bán lẻ của các nhà bán lẻ tại Việt Nam.
Ông Nguyễn Ngọc Dũng, Chủ tịch VECOM cho rằng, thời gian tới Hiệp hội sẽ tiếp tục tương tác với các Hiệp hội, ban ngành nhằm đẩy mạnh phát triển các hoạt động về TMĐT. Với tiêu chí “Làm cho TMĐT trở nên dễ dàng hơn”, VECOM mong muốn mang đến sự hỗ trợ DN truyền thống tiến vào TMĐT một cách dễ dàng hơn bao giờ hết.
“Sự thay đổi to lớn các mạng xã hội như Facebook đã thu hút lượng lớn người dùng, là yếu tố tích cực để phát triển thêm các nền tảng tiếp thị, đây cũng là làn gió mới phản ánh bước chuyển lớn vào lĩnh vực công nghệ. Các mô hình kinh doanh sáng tạo đổi mới dựa trên nền tảng Blockchain, cũng như cách tiếp thị cho dự án để tăng trưởng cả về kinh doanh và đầu tư của DN sẽ tạo nên thành công cho tiếp thị và quảng cáo nếu các DN biết tận dụng sức mạnh và khai thác đúng cách”, ông Dũng tin tưởng.
Theo bà Lại Việt Anh, Phó Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Kỹ thuật số (Bộ Công Thương), trong bối cảnh đại dịch Covid-19, thuật ngữ về TMĐT, tiếp thị trực tuyến trở nên vô cùng phổ biến và trở thành nhu cầu cấp thiết mà các DN cần mau chóng chuyển mình. Báo cáo Google và Temasek cho thấy, từ đầu dịch tới giữa năm 2021, số người tiêu dùng trực tuyến tại Việt Nam đã tăng hơn 8 triệu người.
“Con số trên cho thấy sự chuyển biến về hành vi tiêu dùng của người dân. Đây là cơ hội và cũng là thách thức cho các DN cần mau chóng chuyển đổi mô hình kinh doanh trên môi trường trực tuyến. Tiếp thị trực tuyến sẽ góp phần thiết thực hỗ trợ các DN triển khai kinh doanh trực tuyến thành công, phục hồi và nhanh chóng vượt qua đại dịch Covid-19”, bà Lại Việt Anh nhận định./.