Vận động một lần không được thì nhiều lần

Tân Hiệp là xã có nhiều hộ bị ảnh hưởng nhất bởi dự án Vành đai 3 nhưng cũng là xã về đích sớm nhất trong bàn giao mặt bằng của huyện Hóc Môn. Đây là xã được nhắc đến về mức độ phức tạp nhất huyện trong giải phóng mặt bằng đường Vành đai 3, bởi trong số 132 hộ bị ảnh hưởng, chỉ có hơn 30 hộ là người dân địa phương, còn lại là người có đất nhưng sinh sống ở địa bàn khác, như: Quận 1, Quận 3, quận Bình Thạnh… Một rào cản rất lớn gây nhiều khó khăn trong quá trình vận động, tuyên truyền của chính quyền xã.

Ông Trần Văn Trung, Chủ tịch UBND xã Tân Hiệp cho biết, những ngày vận động là chuỗi ngày làm việc không có ngày nghỉ, không giờ hành chính. Giai đoạn cao điểm UBND xã Tân Hiệp thành lập các tổ công tác liên hệ với phường bạn ở trong thành phố để xuống từng nhà vận động. Có trường hợp khó, tổ công tác phải đi ít nhất 3-4 lần, bất kể đêm hôm, nắng mưa hay thứ Bảy, Chủ nhật, bằng mọi giá gặp được dân để giải thích, vận động.

Ở những phút chót, trong khi các xã khác của huyện đã gần về đích trong giải phóng và bàn giao mặt bằng thì xã Tân Hiệp vẫn còn 15 trường hợp chưa có tiếng nói chung. Cứ tưởng Tân Hiệp sẽ về đích sau cùng nhưng kết quả đã vượt các địa phương còn lại và sớm hơn tiến độ huyện giao.

Theo ông Trần Văn Trung, kinh nghiệm rút ra trong công tác bồi thường giải phóng mặt bằng đường Vành đai 3 là sự kiên nhẫn, chịu khó lắng nghe ý kiến người dân. Người lãnh đạo phải trực tiếp dự họp, tham gia vận động. Từ đó, sẽ hiểu từng người, từng ý để giải quyết.

“Ví dụ ban đầu có 132 hộ, trường hợp nào dễ mình làm trước, cho họ nhận tiền, kinh phí đền bù. Số còn lại tiếp tục phân nhóm nhỏ, càng về sau khoảng 30 trường hợp sau cùng thì càng thấy khó, nhưng tổ công tác vẫn cố gắng vận động. Vận động một lần không được thì mình tiếp cận vận động nhiều lần. Vận động chủ hộ không thành thì mình tác động vào người con, người thân trong gia đình để họ tác động đến các thành viên khác trong nhà. Mình phải kiên trì, kiên nhẫn thôi” - ông Trần Văn Trung nói.

Đầu tháng 9 vừa qua, cầu Long Kiểng ở huyện Nhà Bè sau 22 năm thành lập dự án, rồi tạm dừng thời gian dài thi công vì nút thắt giải phóng mặt bằng đã chính thức thông xe trong niềm vui sướng của người dân.

“Gia đình tôi sống ở đây cũng mấy chục năm rồi. Cả đời ba tôi mong chờ lắm nhưng không kịp nhìn cây cầu mới. Đến đời tôi mới được thấy cây cầu, nói chung vui mừng lắm” - một người dân chia sẻ.

Để có buổi thông xe trên, ít ai biết cán bộ huyện Nhà Bè và cán bộ hai xã Phước Kiển, Nhơn Đức đã không quản ngại khó khăn, đến trực tiếp từng hộ dân để thuyết phục bàn giao đất. Sự kiên trì, bền bỉ của cán bộ địa phương đã giúp cho dân thông suốt và nhường mặt bằng thi công dự án.

Không chỉ cán bộ địa phương, trong 3 năm kể từ khi cầu được thông xe, lãnh đạo TP.HCM cũng đã có hơn 30 cuộc họp để giải quyết vướng mắc. Riêng Chủ tịch HĐND TP.HCM Nguyễn Thị Lệ cũng đã hơn 4 lần trực tiếp kiểm tra, đôn đốc.

Ông Lương Minh Phúc, Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông TP.HCM cho biết, từ thành công trong công tác giải phóng mặt bằng của những dự án “treo”, có thể đúc rút ra 4 bài học.

Thứ nhất sự vào cuộc quyết liệt của tập thể lãnh đạo, cả hệ thống chính trị, của chính quyền địa phương, Ban bồi thường giải phóng bằng với những kế hoạch, cách làm mới rất chi tiết, cụ thể và lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của người dân. Thứ hai là sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của các cấp lãnh đạo Thành phố, sự giám sát thường xuyên, liên tục của HĐND và các sở, ban, ngành. Thứ ba, là tinh thần trách nhiệm, sự quyết tâm đeo bám, đồng hành cùng tháo gỡ vướng mắc với chính quyền địa phương, chủ đầu tư, của các đơn vị thi công. Và đặc biệt, là sự đồng hành chia sẻ của bà con nhân dân.

“Chúng tôi rất mong là bốn bài học thành công này sẽ được nhân rộng ra tất cả các địa phương trên địa bàn thành phố và Ban Giao thông rất mong ước sẽ được tiếp tục nhận được mặt bằng để triển khai các công trình mà chúng ta đã phải chờ đợi rất lâu như là cầu Tăng Long, cầu Ông Nhiêu (Thủ Đức), cầu Bà Hom (Bình Tân), các tuyến đường Dương Quảng Hàm, Tỉnh lộ 8, Lương Đình Của, Tân Kỳ - Tân Quý” - ông Lương Minh Phúc nói.

Hiệu quả của dự án cũng là thước đo về công tác lãnh chỉ đạo và sự ủng hộ của nhân dân

Trao đổi với VOV ông Nguyễn Hồ Hải, Phó Bí thư Thành ủy TP.HCM cho biết, TP.HCM đang tập trung công trình, dự án để thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Thành phố lần thứ XI.

Song song đó, TP.HCM đang thực hiện Nghị quyết 98 về thí điểm một số cơ chế chính sách đặc thù phát triển TP.HCM của Quốc hội, cho nên cần có sự tập trung cả hệ thống chính trị, trong đó có vai trò của cấp ủy, người đứng đầu, của từng địa phương, đơn vị trong công tác thực hiện công trình hạ tầng đầu tư công trên địa bàn. Thời gian qua, cấp ủy, HĐND các cấp đã thể hiện rõ nét vai trò và đạt được những kết quả rất đáng ghi nhận.

Theo ông Nguyễn Hồ Hải, việc người đứng đầu cấp ủy, đặc biệt là khối dân vận buộc phải biết, phải hiểu cụ thể dự án đã hạn chế được tình trạng trước nay là chỉ các cơ quan nhà nước, ban bồi thường hay UBND quận, huyện nắm thông tin; thậm chí ngay trong một cơ quan thực hiện dự án, có người nắm, người không nắm.

TP.HCM hướng tới việc tất cả cán bộ, đảng viên trong hệ thống chính quyền đều hiểu và kết hợp với nhau để tuyên truyền nhân dân hiểu chủ trương, chính sách, đặc biệt là chính sách đối với người dân bị ảnh hưởng.

Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Hồ Hải khẳng định: “Người dân rất là sòng phẳng và rất ủng hộ các dự án để phát triển hạ tầng, đặc biệt là cũng là vai trò thụ hưởng, nhưng phải công khai, minh bạch, rõ ràng và đúng các quy định của pháp luật và đồng thời nó phải có dân vận chính quyền trong đó. Nếu mà cán bộ thực hiện nhiệm vụ cách máy móc rồi trao đổi với dân không có tình cảm ban đầu nó cũng là một cái khó. Tôi nghĩ nếu chúng ta làm đồng bộ các giải pháp và có sự đồng thuận của nhân dân thì dự án sẽ được đẩy nhanh. Và hiệu quả của dự án cũng là thước đo về công tác lãnh chỉ đạo của địa phương cũng như sự ủng hộ của nhân dân”.

Tại lễ khởi công dự án Vành đai 3 vừa qua, Thủ tướng Phạm Minh Chính đánh giá, công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, hỗ trợ tái định cư cho người dân của các dự án là “khó khăn, phức tạp, nhạy cảm”… nhưng các địa phương đã huy động toàn bộ hệ thống chính trị vào cuộc, sự ủng hộ, chia sẻ của người dân, hy sinh quyền lợi cá nhân vì lợi ích chung nên công tác giải phóng mặt bằng cơ bản đảm bảo tiến độ.

Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng đặc biệt biểu dương TP.HCM trong thời gian rất ngắn đã bàn giao mặt bằng để thi công, thời điểm 18/6/2023 đạt tới 87%. Đấy là nhờ sự vào cuộc, sự chỉ đạo của các cấp ủy tổ chức Đảng, sự lãnh đạo điều hành của các cấp chính quyền và đặc biệt là ủng hộ của người dân Thành phố.

Tính đến thời điểm này, TP.HCM đã bàn giao hơn 95%, riêng tại TP.Thủ Đức, việc bồi thường giải phóng mặt bằng vùng giáp ranh đang gặp khó khăn vì có sự chênh lệch giá quá lớn giữa TP.HCM và Bình Dương.

Cùng loạt bài:

Bài 1: Bồi thường, giải phóng mặt bằng nhìn từ thực tiễn ở TP.HCM