Thời gian qua, song song với dự thảo và thảo luận về luật pháp và quy hoạch được Quốc hội đưa tại kỳ họp thì giá đất tại ba khu hành chính - kinh tế đặc biệt (theo dự thảo Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt) đã có biểu hiện sốt ảo, nhiều nhất là tại Phú Quốc, tiếp theo tại Vân Đồn và ít nhất tại Bắc Vân Phong.

vov_sot_dat_ao_fmvh.jpg
Người dân cần cảnh giác với những cơn “sốt đất ảo”. (Ảnh: Thái Bình).
Theo Giáo sư, Tiến sỹ Khoa học Đặng Hùng Võ, Chuyên gia nghiên cứu thị trường bất động sản, sốt ảo hay tích tụ bất động sản bao giờ cũng dẫn tới hệ quả “vỡ bong bóng”, thị trường bất động sản sẽ bị thiệt hại do quán tính lớn và khiến cho thị trường rơi vào một giai đoạn trầm lắng.

Thực trạng này được nhận diện rõ, nhằm tránh rủi ro, hệ lụy xấu cho người dân nói riêng, thị trường bất động sản, và sự phát triển chung của địa phương nói chung.

Ông Đặng Hùng Võ cho rằng, khu vực nông thôn chuyển thành đặc khu kinh tế, hành chính, khiến đô thị phát triển mạnh, với việc đầu tư cả sân bay, hạ tầng… dẫn đến theo quy luật chung là sẽ tăng giá đất.

Quy luật này bị một số người đầu cơ đất đai đạo diễn ra việc tăng giá nhanh, chứ không tăng theo kiểu tuyến tính bình thường. Lúc đấy người ta gọi là tăng ảo, vì thực tế không thể tăng cao được như vậy và tạo ra cơn sốt đất. Đây là tình trạng sẽ diễn biến nếu chúng ra quản lý không chặt.

"Người dân bị kéo theo hiệu ứng đám đông, sẽ tạo thành điểm không hay đối với thị trường bất động sản nói riêng, cũng như tạo ra hệ lụy đối với sự phát triển kinh tế nói chung của địa phương, đôi khi lan ra phạm vi cả nước", ông Đặng Hùng Võ khuyến cáo.

Theo thống kê, từ khi đổi mới đến nay, Việt Nam đã trải qua ba giai đoạn đất sốt giá theo kiểu sốt ảo: giai đoạn thứ nhất 1990-1993, giai đoạn thứ hai 2000-2003, giai đoạn thứ ba 2007-2008. Trong hai giai đoạn đầu, tại mỗi giai đoạn giá đất đã tăng lên mười lần và sau đó không giảm./.