Với ngư dân, hy vọng cho một cái Tết ấm áp, sung túc đều trông chờ vào chuyến vươn khơi cuối cùng của năm. Thế nhưng, với những ngư dân miền Trung, chuyến biển cuối năm nay không đầy ắp cá tôm như mong đợi. Nhưng bù lại giá cá tăng cao nên với họ cũng có một cái Tết đầm ấm.
Những ngày cuối năm, tại âu thuyền Thọ Quang, quận Sơn Trà, thành phố Đà Nẵng hàng trăm tàu cá công suất lớn của ngư dân các tỉnh Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi tấp nập vào bờ bán cá để về quê ăn Tết. Đây là những tàu đi chuyến biển cuối cùng của năm Mậu Tuất. Ngay sau khi bán hết cá, thuyền viên làm vệ sinh, dọn dẹp tàu, ngư lưới cụ để chuẩn bị cho chuyến biển đầu năm sau Tết Nguyên đán.
Dù không đánh bắt được nhiều cá, được về quê ăn Tết, sum họp với gia đình các ngư dân đều vui |
Ngư dân Huỳnh Ngọc Tiến, chủ tàu cá QNg98968, ở Sa Huỳnh, tỉnh Quảng Ngãi vừa bán hết 4 tấn cá chủ yếu là cá nục, cá ngừ mới đánh bắt được sau 20 ngày vươn khơi. Anh Tiến cho biết, dịp cuối năm, sản lượng hải sản đánh bắt ít nhưng vì nhu cầu tiêu thụ những ngày cận Tết tăng mạnh nên giá cá tăng cao. Chính vì vậy, anh cùng 11 bạn thuyền trong chuyến ra khơi này mỗi người vẫn có được 5 triệu đồng về quê sắm Tết.
“Mấy năm nhiều cá nhưng rẻ. Còn năm nay ít, nhưng mấy ngày nay giá cá tăng cao. Nói chung trừ chi phí đi thì mỗi người cũng kiếm được ít triệu. Đợt này về để ăn Tết, xong Tết rồi mới đi”, anh Huỳnh Ngọc Tiến cho biết.
Sau gần 20 ngày lênh đênh trên biển, vừa bốc những khay cá lên khỏi khoang, anh Tạ Bi chủ tàu cá QNg98271 buồn bã cho biết, chuyến biển này anh tốn khoảng 400 triệu đồng chi phí, nhưng sản lượng cá mực đánh bắt được ít, sợ rằng chuyến đánh bắt này sẽ lỗ. Theo anh Bi, do năm nay thời tiết không thuận lợi cộng với biến động của giá cả thị trường cũng đẩy chi phí cho mỗi chuyến ra khơi lên cao. Anh Bi cho biết, dù đánh bắt cá không được như mong đợi, gặp rất nhiều khó khăn nhưng Tết đến về sum họp với gia đình là thấy ấm áp rồi.
Các ngư dân nhanh chóng bốc vác, bán cá về quê ăn Tết |
“Thu ít lắm, cá năm nay hiếm rồi, không bằng cỡ một nửa mấy năm trước. Giờ không biết sao luôn, chia mỗi người vài triệu. Mấy năm trước còn có ghẹ, cá mực bán kiếm thêm mỗi người 500.000 – 700.000 mà năm nay không có luôn. Chuyến này đi kiếm đủ cơm ăn thôi”, Anh Bi chia sẻ.
Tùy thuộc vào thời tiết mà chuyến biển cuối năm của ngư dân kéo dài từ 15 đến 20 ngày. Các ngư dân đều kỳ vọng chuyến biển cuối năm sẽ thu được nhiều “lộc biển”, trở về đón một cái Tết thật tươm tất.
Ngư dân Nguyễn Nam chủ tàu tàu cá ĐNa90026 (ở quận Sơn trà, thành phố Đà Nẵng) cho biết, tàu của anh làm nghề chụp mực và đánh bắt các loại cá nhỏ nên chỉ đánh bắt ven bờ từ Quảng Trị đến Đà Nẵng. Chuyến này tàu của anh chỉ đi 4 ngày là về cho kịp đón Tết: “Đánh bắt phải theo con nước. Tết nhất không có gì hết, anh em mới đi có mấy ngày kiếm con cá về cúng ông bà cho vui vẻ trong dịp Tết thôi. Tiền lao động cho anh em thì chia ra mỗi người được 500.000 đồng”.
Cá được vận chuyển bán tại chợ đầu mối Hải sản Đà Nẵng |
Hiện, giá cá tại chợ đầu mối hải sản Đà Nẵng tăng cao, cụ thể: cá Thu dao động từ 130.000 đồng đến 140.000 đồng/kg, cá ngừ 60.000/kg, cá nục khoảng 130.000/kg,... cao hơn ngày bình thường 20.000 – 30.000/kg.
Ông Nguyễn Lại, Trưởng phòng Khai thác và Dịch vụ, Ban quản lý Âu thuyền và Cảng cá Thọ Quang, quận Sơn Trà, thành phố Đà Nẵng cho biết, năm nay sản lượng đánh bắt giảm so với cùng kỳ năm ngoái khoảng 30%, thời tiết không thuận lợi nên ngư dân cho tàu neo đậu tại âu thuyền, nghỉ Tết sớm: “Trong dịp Tết này, Ban quản lý cũng duy trì thường xuyên lực lượng để tăng cường sắp xếp, hướng dẫn tàu thuyền ra vào cảng để thuận lợi trong việc bốc dỡ. Cùng phối hợp với Văn phòng đại diện Kiểm soát nghề cá để thanh tra, kiểm soát hoạt động nghề cá về chống khai thác bất hợp pháp không báo cáo, không theo quy định”.
Sắc xuân đang ngập tràn, mọi người háo hức đón tết Nguyên đán Kỷ Hợi. Mong ước của ngư dân trong năm mới là trời yên bể lặng, biển khơi nhiều tôm, cá./.
Ngư dân Cà Mau được mùa biển những ngày giáp Tết
Đầu năm, ngư dân Phú Yên trúng đậm cá ngừ