Những ngày này, tại Âu thuyền và Cảng cá Thọ Quang, thành phố Đà Nẵng lại tấp nập tàu vào ra. Vừa trở về sau chuyến ra khơi trong ngày, ngư dân Dương Mỹ Thương, ở quận Thanh Khê, thành phố Đà Nẵng cho biết, thả lưới đánh bắt cá ven bờ những ngày sau bão khá hiệu quả. Anh vừa đánh bắt được 1 thùng cá đủ loại cá, tôm, ghẹ thu nhập 1 triệu đồng/đêm.

“Bão gió nhiều quá nên phải ở nhà miết, tôi cũng mới đi có mấy ngày nay. Sáng đi xong chiều vào bán cá tại bến luôn. Nghề biển thì biết rồi, nói chung nếu biển êm thì làm ăn kiếm sống qua ngày cũng được, chứ không đến nỗi nào” - anh Thương cho biết.

Đã gần 2 tuần nay từ lúc bão số 13 đổ bộ vào bờ hầu hết ghe thuyền bị úp ngược, tàu đánh cá ở Đà Nẵng phải nằm bờ. Đó cũng là lúc những ngư dân như ông Lê Thanh Tùng, ở phường Nại Hiên Đông, quận Sơn Trà, thành phố Đà Nẵng cảm thấy bứt rứt chân tay. Nay trời yên, bể lặng, ông Tùng chuẩn bị cho chuyến đi biển khoảng 5 ngày. Ông Lê Thanh Tùng cho biết, sau những ngày bão tố thì nay lại được vượt sóng thả lưới đánh cá đó là điều hạnh phúc nhất.

“Hết gió rồi nên bà con ra khơi, bám biển. Tàu của tôi là 700 đến 800 mã lực, đánh bắt xa bờ. Bản thân tôi cũng như bà con ngư dân ở đây dù khó khăn đến đâu cũng phải vươn khơi bám biển để bảo vệ chủ quyền biển đảo của quê hương" - ông Lê Thanh Tùng cho biết.

Trong bão số 13, tàu cá của ngư dân Đà Nẵng và các tỉnh neo đậu tránh trú trong âu thuyền Thọ Quang lên đến hơn một nghìn chiếc thì đến nay đã có khoảng 900 tàu ra khơi.

Ông Nguyễn Lại, Phó Trưởng Ban Quản lý Âu thuyền và Cảng cá Thọ Quang, thành phố Đà Nẵng cho biết, trong những ngày qua, nhiều ngư dân đã tranh thủ thời tiết tốt ra khơi, đánh bắt hải sản. Tại cảng cá Thọ Quang việc mua bán hải sản tấp nập, đảm bảo cung cấp cho thị trường Đà Nẵng.

“Về phía Ban Quản lý, chúng tôi cũng tạo mọi điều kiện để tàu vào cảng bốc dỡ hàng cũng như tiếp nhận nhu cầu nhu yếu phẩm, lương thực cũng như vấn đề hậu cần. Ngoài ra, chúng tôi cũng phối hợp với cơ quan chức năng như Hiệp hội nghề cá để tuyên truyền vận động ngư dân tiến hành khai thác theo đúng quy định, chống khai thác bất hợp pháp, không báo cáo, không theo quy định; vận động ngư dân khai thác theo tổ đội, hỗ trợ nhau trong quá trình đánh bắt trên biển”, ông Lại chia sẻ.

Tại huyện đảo Lý Sơn, bão chồng bão thời gian qua đã gây thiệt hại nặng nề cho huyện đảo, đặc biệt là ngành du lịch. Cơ sở hạ tầng, dịch vụ, di tích ở Lý Sơn hư hỏng nặng. Chính quyền địa phương đang tập trung khôi phục, chuẩn bị đón khách trở lại.

Đảo Bé, xã An Bình, huyện đảo Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi thu hút du khách với vẻ đẹp hoang sơ, kỳ vỹ. Mấy năm gần đây, người dân đảo Bé đã biết làm du lịch với nhiều dịch vụ, mô hình homestay, bungalow… hấp dẫn đối với du khách. Thế nhưng, tất cả trở nên điêu đứng sau mấy cơn bão vừa qua. Hàng loạt hàng quán, cơ sở kinh doanh dịch vụ, homestay… bị gió bão quật đổ, hỏng nặng. Gần một tháng sau cơn bão số 9, đảo Bé vẫn còn ngổn ngang.

Bà Nguyễn Thị Thanh Thúy, chủ homestay Biển Ngọc lo lắng: “Gia đình tôi và nhiều bà con ở đây đều phải vay mượn để làm homestay để kiếm sống nhưng nay bão làm như thế này thì bà con rất khó khăn về kinh tế. Bà con không biết sống thế nào”.

Tại đảo Lớn, sức tàn phá của bão và sóng biển phá hủy nhiều điểm tham quan, danh thắng, di tích, khu dịch vụ… Hàng quán tốc mái, móng, tường nhà bị sóng biển đánh sập. Ông Bùi Văn Chánh, thôn Tây, xã An Hải than thở, người dân đảo Lý Sơn vừa chứng kiến sức tàn phá khủng khiếp của bão. Nhiều người chỉ kịp lợp lại nhà cửa, còn cơ sở dịch vụ kinh doanh du lịch thì chưa thể hoạt động lại.

Tại huyện đảo Lý Sơn, sau mưa bão, nhiều cây xanh hàng chục năm tuổi bật gốc, dần chết khô. Ông Đặng Tấn Thành, Phó Chủ tịch UBND huyện Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi cho biết, bão đã gây thiệt hại nặng nề đối với huyện đảo Lý Sơn, đặc biệt là ngành du lịch. Nhiều điểm du lịch, di tích bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Sóng lớn, nước mặn xâm thực làm các công trình hư hỏng, xuống cấp nghiêm trọng. Ngay sau bão, chính quyền địa phương đã chủ động giúp dân khắc phục hậu quả, lợp lại nhà cửa, ổn định cuộc sống… Tuy nhiên, để Lý Sơn lấy lại hình ảnh của một điểm đến hấp dẫn thì cần một thời gian nhất định để khôi phục lại các hoạt động trên đảo.

“Những gì khắc phục được, chúng tôi đã tập trung khắc phục. Những gì cần chờ thời gian thì cần phải chờ. Chẳng hạn như hệ thống cây xanh thì chúng cần một thời gian để quá trình hồi phục. Chúng tôi rất cố gắng để làm sao ngay từ đầu năm, khách du lịch đến với Lý Sơn, trong bối cảnh khó khăn thì cùng chia sẻ, thấy được cảnh quan và vẻ đẹp hoang sơ của Lý Sơn", ông Thành cho biết./.