Cách đây hơn một năm, Chính phủ ban hành Nghị quyết 128/NQ-CP về thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh COVID-19. Đây được xem là quyết định quan trọng, bước chuyển chiến lược từ “zero COVID” sang “thích ứng an toàn, linh hoạt, hiệu quả”, vừa chống dịch vừa phục hồi phát triển kinh tế. Sau một năm áp dụng Nghị quyết, các tỉnh thành phía Nam, nơi bị ảnh hưởng nặng nề của đại dịch đã từng bước phục hồi, vươn lên mạnh mẽ.
Quyết liệt, đồng bộ, sáng tạo
Năm 2021, Dịch bệnh COVID-19 lây lan, tấn công vào nhà máy, công xưởng khiến việc sản xuất của doanh nghiệp TP.HCM và các tỉnh Đông Nam bộ bị đình trệ, nghiêm trọng. Mọi hoạt động giao thương đóng cửa, hệ thống phân phối, chuỗi cung ứng bị đứt gãy, nhân công nghỉ việc… Trong bối cảnh khó khăn bởi sự khốc liệt của dịch bệnh COVID-19 lịch sử, Kỳ họp thứ Nhất của Quốc hội khóa XV ra Nghị quyết số 30 ngày 28/7/2021 về huy động cả hệ thống chính trị trong thực hiện, triển khai quyết liệt, đồng bộ, sáng tạo, linh hoạt các chủ trương, biện pháp để kiểm soát dịch COVID-19, thực hiện mục tiêu kép vừa bảo vệ sức khỏe của người dân, vừa duy trì phát triển kinh tế-xã hội.
Nghị quyết này đã tạo ra một tư duy mới trong lãnh đạo, điều hành đất nước trong thời điểm khó khăn do dịch bệnh. Vào thời điểm ấy, các địa phương trong vùng dịch là TP.HCM và các tỉnh Đông Nam bộ, ngoài các biện pháp phong tỏa, khoanh vùng dập dịch, đã triển khai các giải pháp duy trì sản xuất như: “Một cung đường, hai điểm đến”; “3 tại chỗ”… Tập trung nguồn vaccine, ưu tiên tiêm cho người lao động, tuyến đầu chống dịch.
Khi TP.HCM và các tỉnh phía Nam dần dần mở cửa trở lại thì cũng là lúc Chính phủ kịp thời ban hành Nghị quyết 128 về quy định tạm thời “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19”. Trong bức tranh toàn cảnh của một khu vực đứng đầu cả nước về kinh tế nhưng bị dịch bệnh tàn phá điêu đứng, nhiều doanh nghiệp đứng bên bờ vực phá sản do đứt gãy chuỗi cung ứng, chuỗi sản xuất, chậm đơn hàng, thiếu hụt về dòng tiền, khủng hoảng về lao động... thì Nghị quyết 128 như “liều vaccine” để giúp doanh nghiệp dần dần phục hồi sản xuất, kinh doanh. Sự vào cuộc quyết liệt, sâu sát, linh hoạt của Chính phủ, của các bộ, ngành giúp chuỗi kết nối sản xuất, tiêu dùng đã bị đứt gãy bởi tư duy chống dịch cực đoan của một số địa phương.
Bình Dương là một tỉnh chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch bệnh COVID-19, với số ca mắc, ca tử vong trên số dân nhiều nhất cả nước. Thời điểm dịch bùng phát, hơn 60.000 doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước tạm ngưng sản xuất do có nhiều ca mắc COVID-19. Nhưng hiện nay, hầu hết các doanh nghiệp đã khôi phục và ổn định sản xuất.
Ông Nguyễn Minh Hải, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Sonova Việt Nam, 100% vốn đầu tư của Thụy Sĩ có nhà máy sản xuất tại Bình Dương cho biết, bằng việc thực hiện các giải pháp trong phòng dịch và duy trì sản xuất của địa phương, thời điểm dịch bệnh căng thẳng, doanh nghiệp duy trì 40% lực lượng công nhân làm việc “3 tại chỗ”. Trong bối cảnh khó khăn doanh nghiệp và công nhân đồng lòng vượt qua để tiếp tục đà phục hồi sau khi mở cửa trở lại và đến nay đã ổn định sản xuất với hơn 1.500 công nhân, người lao động. Những chính sách hỗ trợ của Chính phủ, địa phương tạo động lực cho doanh nghiệp và người lao động.
Tổng Giám đốc Công ty TNHH Sonova Việt Nam nói: "Nghị quyết 128 đã tạo ra động lực tích cực cho từng cá nhân, kể cả các tổ chức có thể triển khai các hoạt động trở lại bình thường. Điều đó thể hiện rất rõ ràng. Cụ thể, rất nhiều lao động từng rời TP khi dịch bệnh bùng phát đã trở lại Bình Dương, giúp doanh nghiệp phục hồi hoạt động sản xuất hoàn toàn".
Ông Trần Văn Dũng, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần chế biến xuất nhập khẩu thuỷ sản Bà Rịa – Vũng Tàu (Baseafood) cho rằng: Nghị quyết 128 ra đời rất kịp thời. Đến nay sau 1 năm, nhiều doanh nghiệp đã phục hồi, phát triển, hoạt động sản xuất kinh doanh dần lấy lại đà tăng trưởng.
"Nghị quyết 128 được ban hành rất kịp thời. Khi dịch COVID-19 qua đi, Chính Phủ, các Bộ, Ngành liền tạo nhiều điều kiện tốt cho các doanh nghiệp xuất khẩu thuỷ sản. Đặc biệt, hiện nay các nước vùng Baltic rất cần hàng thực phẩm nên làm không kịp hàng, nguyên liệu năm nay cũng nhiều nên thuận lợi. Bên cạnh đó, Chính phủ cũng chỉ đạo giảm, chậm nộp thuế… giúp lao động có việc làm ổn định, doanh nghiệp đủ chi phí, khấu hao" - ông Dũng vui mừng bày tỏ.
Tạo thế và lực phát triển mới cho nền kinh tế
Trong 9 tháng của năm 2022, GRDP TP.HCM tăng 9,41%; GRPD của Bình Dương tăng 7,36% so với cùng kỳ. Đây là hai con số ấn tượng của hai địa phương mà cách đây 1 năm là tâm dịch COVID-19. Để doanh nghiệp sớm phục hồi, phát triển kinh doanh, sản xuất, Chính phủ, bộ, ngành Trung ương và các địa phương đã có sự kết nối để đưa nguồn lao động về thành phố; cùng với đó là chính sách như: miễn giảm thuế, miễn giảm lãi cho doanh nghiệp ảnh hưởng bởi đại dịch…
Từ “Zero COVID” đến thích ứng linh hoạt và lấy việc bảo vệ tính mạng, sức khỏe của người dân làm trọng tâm, đã giúp chúng ta đảo ngược chính sách từ chỗ truy vết bệnh nhân để chữa trị sang chế độ vaccine. Không chỉ niềm tin của nhân dân, mà “sức khỏe” của khu vực kinh tế chiếm tỉ trọng GDP cao nhất của nước dần hồi phục.
Phó Giáo sư – Tiến sỹ Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam khẳng định: Sự đồng hành của “Chính phủ và doanh nghiệp” giúp chúng ta khống chế dịch tốt hơn, tinh thần hào hứng hơn, tạo ra thế và lực phát triển mới cho nền kinh tế.
"Sự đặc biệt của Nghị quyết 128 là Nghị quyết về phục hồi và phát triển chứ không chỉ phục hồi đơn thuần. Thông thường, các nước chỉ phục hồi nhưng chúng ta "máu lửa" hơn, mặc dù còn yếu nhưng xác định là phải phát triển. Điều này thể hiện quyết tâm rất cao của Chính phủ, khát vọng phát triển của đất nước, tận dụng thời cơ để phát triển đất nước. Tôi đánh giá rất cao cách tiếp cận về phát triển, về cải cách của Chính phủ trong thời điểm này" - Nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam đánh giá.
Dịch bệnh được khống chế, cả nước đã trở thành vùng xanh, sức sống của doanh nghiệp đang phục hồi và phát triển mạnh mẽ trở lại. Song trong bối cảnh nền kinh tế vẫn còn đó những khó khăn bởi diễn biến khó lường của kinh tế, chính trị trên thế giới. Để tiếp đà phục hồi và phát triển sau đại dịch, doanh nghiệp mong muốn chính quyền tiếp tục chia sẻ, hỗ trợ công nhân lao động.
Bà Trần Thị Hà Bình, Giám đốc nhân sự Công ty TNHH May mặc Bowker Việt Nam kiến nghị: "Doanh nghiệp cần tỉnh hỗ trợ để lao động ngoài tỉnh yên tâm ở lại. Doanh nghiệp cần có chính sách được giảm thuế, hoặc chậm đóng. Nếu không miễn được thì giảm hoặc giãn ra vì đồng vốn của doanh nghiệp đang rất khó do đơn hàng giảm".
Sự phục hồi của khu vực kinh tế năng động nhất của cả nước cũng đã minh chứng cho quyết sách linh hoạt, uyển chuyển, đúng đắn, đúng thời điểm của Nghị quyết 128. Để doanh nghiệp tiếp tục đà phát triển sau đại dịch, thì rất cần sự quyết liệt của Chính phủ, sự sâu sát của bộ, ngành và chính quyền địa phương, sự linh hoạt trong chính sách hơn nữa sẽ giúp doanh nghiệp sớm hàn gắn vết thương do đại dịch, để khu vực kinh tế phía Nam tiếp tục giữ vững vị trí đầu tàu kinh tế của cả nước./.