Nhiều năm trở lại đây, thịt bò trâu, lợn khô đã trở thành một nghề của nhiều gia đình ở Sơn La. Đặc biệt mỗi dịp Tết đến xuân về, thị trường thịt khô lại nhộn nhịp, sôi động hơn bao giờ hết. Sản phẩm thịt khô ở Sơn La ngày càng được thị trường khắp cả nước biết tới và ưa chuộng, nhờ đó đem lại thu nhập cao cho đồng bào Sơn La.

vov_thit_kho_son_la_1_gkia.jpg
Bà Nguyễn Thị Lý đang hun khói thịt khô.

Gia đình bà Nguyễn Thị Lý ở phường Tô Hiệu, thành phố Sơn La đã làm thịt khô từ 20 năm nay. Ban đầu, gia đình chỉ làm thịt lợn khô và lạp sườn để bán. Năm 2006, nhận thấy làm thịt khô là thị trường có tiềm năng, gia đình đã mạnh dạn đầu tư 35 triệu đồng để xây lò hun khói và máy hút chân không. Cùng với đó mở rộng kinh doanh bán thịt trâu bò ngựa khô, phục vụ khách hàng trong và ngoài tỉnh. Từ đó tới nay, trung bình mỗi năm gia đình bán được gần 2 tấn thịt khô, riêng tháng Tết bán được hơn 1 tấn thịt khô các loại. Trừ tất cả chi phí, mỗi năm thu lãi hơn 200 triệu đồng.

Bà Nguyễn Thị Lý nói: “Tôi đã làm được 20 năm nay rồi. Đến giáp Tết,  khách hàng gọi điện và đến nhà đặt nhiều hơn ngày bình thường. Nói chung là cũng ổn định cho cuộc sống gia đình, tiêu pha và cho con cái ăn học đến nơi đến chốn”.

Đặc biệt hơn trong dịp Tết năm nay, cá giảng đã có mặt trên thị trường hàng khô Sơn La. Cá giảng là món khô được làm từ thịt cá, cách làm tương tự như các loại thịt khô khác, tuy nhiên cần phải hun khói lâu hơn, khi chế biến cũng phải tỉ mỉ, kỹ càng. Hiện món ăn đặc sắc có giá giao động từ 200 nghìn tới 300 nghìn/1 kg, tùy từng loại cá.

Bà Lò Thị Muôn, là người bán hàng lâu năm tại bản Hẹo, thành phố Sơn La cho biết: Năm nay người dân đặt ncá giảng cà gà giảng nhiều hơn. Mọi năm, khách thường đặtthịt bò khô, lợn khô, lạp sườn…

Đặc sản thịt khô Sơn La có vị đặc trưng và không có chất bảo quản.

Thịt khô được làm từ thịt lợn trâu bò hoặc ngựa, ướp các loại gia vị đặc trưng của người Thái như: Ớt, mắc khén, gừng, tỏi... Sau khi ướp gia vị, chúng  được hun khói bằng bếp củi 2 ngày 1 đêm, rồi được hấp chín,  công đoạn cuối tiếp tục hun khói cho thịt khô đảm bảo an toàn. Tất cả các bước đều được làm thủ công bằng tay, nên mỗi người làm sẽ cho một hương vị khác nhau, tạo ra nét đặc sắc của món thịt khô đặc sản Sơn La, giúp thực khách dễ dàng lựa chọn theo khẩu vị của mình.

Anh Hoàng Thanh Bình, du khách tới từ tỉnh Hòa Bình nói: “Tôi thấy thịt khô ở Sơn La ngon, đặc sắc. Người lớn ăn được và trẻ con cũng được thưởng thức. Tôi cũng có mua mấy cân về để biếu gia đình, bạn bè”.

Trên địa bàn tỉnh Sơn La có hàng trăm cơ sở kinh doanh thịt khô, hàng  năm đem về cho thu nhập từ 200 đến 300 triệu đồng cho mỗi gia đình. Sở dĩ thịt khô Sơn La chiếm lĩnh được thị trường là do chất lượng thực phẩm luôn được đảm bảo an toàn, hợp vệ sinh. 

Về vấn đề này, ông Lừ Văn Trường, Chi Cục Phó, Chi cục thú Y tỉnh Sơn La cho biết: “Trong dịp Tết Nguyên đán, lượng giết mổ gia súc gia cầm để phục vụ làm thực phẩm trong dịp Tết tăng đột biến. Chi cục chăn nuôi thú y đã chỉ đạo trạm chăn nuôi thú y, phòng thanh tra chi cục tăng cường kiểm tra, giám sát lượng giết mổ trên địa bàn và xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm quy định. Chúng tôi cũng khuyến cáo người dân chỉ sử dụng những sản phẩm khi có tem vệ sinh thú y và dấu kiểm soát giết mổ”.

Trong dịp Tết Đinh Dậu 2017, giá các loại thịt khô tại Sơn La không biến động nhiều. Lợn khô có giá từ 350.000 tới 400.000 đồng/1kg; trâu khô, bò khô, ngựa khô có giá từ 700.000 tới 800.000/1kg. Việc giữ giá cả ổn định là một trong những điều quan trọng để nghề làm thịt khô ở Sơn La tạo uy tín và thương hiệu vững chắc trên thị trường./.