Có dịp đến với bản Khe Lắc (xã Thanh Thịnh, huyện Chợ Mới, tỉnh Bắc Kạn) nhiều người sẽ không khỏi ngỡ ngàng trước khung cảnh phố thị với những ngôi nhà cao tầng hiện đại san sát, đường xá phong quang cùng những chiếc xe ôtô đắt tiền. Và càng ngạc nhiên hơn khi biết rằng vài chục năm trước, bản người Dao này có tới hơn 70% thuộc diện khó khăn, nhiều gia đình phải chật vật lo từng bữa ăn, manh áo.
Men theo triền đồi dưới những tán rừng keo xanh ngắt, con đường bê tông rộng rãi từ Quốc lộ 3 đưa chúng tôi đến bản Khe Lắc. Ngỡ ngàng! Đó có lẽ là cảm giác của tất cả những người lần đầu đến với bản nhỏ nằm sâu trong thung lũng này. Ven hai bên đường san sát những ngôi nhà xây kiên cố, hiện đại từ nhà vườn mái Thái, mái Nhật đến những ngôi nhà 3-4 tầng lấp lánh cửa kính....
Ông Đặng Nguyên Thìn, chủ nhân một trong những căn nhà như thế cho biết, ngôi nhà được xây năm 2013 với tổng giá trị xây lắp khoảng 1 tỷ đồng: “Ngôi nhà tôi xây do từ trồng rừng mà ra cả đấy, không có rừng thì không làm được đâu, như ngày trước thì làm được căn nhà lợp ngói đã hoành tráng lắm rồi, bây giờ cả làng ai cũng xây kiên cố hết, nói chung so với khoảng 20 năm trước, đời sống bây giờ khá lắm rồi”.
Bản Khe Lắc năm nay cũng ăn Tết to. Nhanh tay phơi số bún khô chuẩn bị cho dịp Tết, bà Đặng Thị Xuyến, một người dân Khe Lắc không giấu niềm vui xen cả tự hào: Chỉ hơn 20 năm trước, khi bà về đây làm dâu, nhà nào trong bản cũng phải lo ăn từng bữa. Ruộng ít nên nguồn sống chỉ dựa vào khai thác rừng tự nhiên và mảnh nương nhỏ, trong khi kỹ thuật canh tác lạc hậu, thiên tai, mất mùa khiến người dân năm no, năm đói.
Bước chuyển đến từ các Dự án trồng rừng phủ xanh đất trống đồi trọc, rồi những dự án trồng rừng sản xuất khoảng 2 chục năm trước. Khi đó, người Dao bản Khe Lắc vẫn chưa tin những cánh rừng trồng có thể mang lại ấm no. Vậy nên chỉ có một số nhà mạnh dạn trồng thử vài hecta... Bất ngờ là sau chu kỳ khai thác đầu tiên, có gia đình đã thu lãi tới vài chục triệu đồng - số tiền mà khi đó trong mơ cũng không người dân bản Khe Lắc nào dám mơ tới. Phong trào trồng rừng phát triển mạnh từ đó.
Ông Đặng Nguyên Hồng, Bí thư Chi bộ Khe Lắc nhẩm tính: Hiện nhà nào trong bản cũng có rừng trồng, ít thì dăm bảy ha, nhiều thì vài chục ha. Với giá gỗ keo hiện tại, mỗi ha bà con có thể thu lãi từ 70-100 triệu đồng một chu kỳ khai thác, mà gỗ có bao nhiêu bán hết bằng ấy. Vậy là bản Khe Lắc thoát được đói, xóa được nghèo. Mấy năm nay, bà con còn trồng thêm quế, bạch đàn và tham gia các mô hình trồng cây gỗ lớn để nâng cao hơn hiệu quả trên một diện tích:
Theo ông Đặng Nguyên Hồng mới đầu người dân cứ nghĩ là có rừng tự nhiên thì khai thác thôi, trồng rừng thì ai mua? Thế là cứ đi khai thác rừng tự nhiên thôi. Rồi khi có dự án, 5-6 nhà làm thử, thấy hiệu quả. Vậy là các cuộc họp thôn, cán bộ thôn vận động nhân dân, rồi các đoàn thể cũng tích cực tham gia vận động, bà con dần nhận thức được, trồng rừng thì đó mới là tài sản của riêng mình. Như bây giờ, có hộ gia đình từ khai thác rừng trồng mỗi năm thu nhập cả trăm triệu, từ 200-300 thậm chí là 400-500 triệu đồng cũng có”.
Nâng trên tay chén trà ấm nóng, ông Hoàng Xuân Tài, Trưởng bản Khe Lắc say sưa kể: Nhờ trồng rừng, ở Khe Lắc bây giờ chỉ toàn nhà kiên cố, không ít gia đình mua xe ôtô, còn xe tay ga đắt tiền thì nhiều không đếm xuể. Bản đã có điện lưới, đường bê tông, nhà văn hóa, có sân bóng chuyền và cả internet tốc độ cao...
Ông Trưởng bản vẫn miên man từ chuyện trồng rừng, chuyện xây nhà dựng cửa, chuyện cho con cháu đi học đến chuyện bà con bản Khe Lắc đang tất bật chuẩn bị Tết, và cả những dự định, kế hoạch cho vụ trồng rừng mới.
Ngoài sân, cơn mưa Xuân ấm áp bất chợt kéo về như tưới thêm cho những mầm keo, mầm quế lên xanh, phủ thêm màu trù phú cho bản người Dao. Và hiệu quả kinh tế từ trồng rừng ở đây cũng đang minh chứng cho sự đúng đắn của Bắc Kạn khi lựa chọn lĩnh vực này làm hướng đi cho người dân thoát nghèo, vươn lên làm giàu ngay trên mảnh đất quê hương, để năm sau lại có thêm nhiều bản “triệu phú” như Khe Lắc trên miền rẻo cao này./.