Theo báo cáo tình hình sản xuất công nghiệp và thương mại 6 tháng đầu năm của Bộ Công Thương, chỉ số sản xuất của ngành điện tử, máy vi tính 6 tháng qua tăng 9,8% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn so với mức tăng của 6 tháng đầu năm 2019 (3,5%).
Mặc dù gặp nhiều khó khăn trong việc nhập khẩu linh phụ kiện từ Trung Quốc tháng đầu năm, nhưng nhờ cân đối hợp lý hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp, ngành điện tử Việt Nam vẫn tăng trưởng khá cả về chỉ số sản xuất công nghiệp lẫn kim ngạch xuất khẩu trong 6 tháng năm 2020 so với cùng kỳ năm 2019.
Từ giờ đến cuối năm, ngành điện tử Việt Nam sẽ gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch. (Ảnh minh họa: KT) |
Cụ thể, giá trị xuất khẩu trong 6 tháng, mặt hàng máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện tăng 24,2%, đạt 19,28 tỷ USD; mặt hàng điện thoại các loại và linh kiện đạt khoảng 21,5 tỷ USD, giảm 8,4%.
6 tháng đầu năm đã qua đi với mức tăng trưởng tương đối khá về sản xuất lẫn xuất khẩu, nhưng Bộ Công Thương vẫn lo ngại tình hình không mấy khả quan khi dự báo, 6 tháng cuối năm, ngành điện tử vẫn có thể bị ảnh hưởng nghiêm trọng do dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp, từ đó làm sụt giảm nhu cầu tiêu thụ sản phẩm điện tử tại các thị trường Mỹ và châu Âu.
Đặc biệt, doanh thu và sản lượng toàn cầu của Samsung dự báo cũng sẽ giảm do ảnh hưởng chung của dịch bệnh. Samsung Việt Nam dự kiến giảm mục tiêu xuất khẩu xuống còn khoảng 45,5 tỷ USD trong năm 2020.
Bộ Công Thương cho biết, việc kiểm soát dịch bệnh của Việt Nam được cộng đồng quốc tế đánh giá rất cao. Đây được xem là động lực quan trọng để thu hút nhiều hơn nguồn vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam sau đại dịch.
Bên cạnh đó, các tập đoàn xuyên quốc gia đang xem xét dịch chuyển đầu tư, đây là cơ hội lớn cho Việt Nam đón đầu làn sóng đầu tư này./.