Tiếp tục phiên chất vấn Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Lê Minh Hưng tại Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khoá XIV, sáng nay (17/11), Đại biểu Nguyễn Thị Phúc (Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Thuận) phản ánh, nhà ở xã hội đang là cứu cánh cho các gia đình có thu nhập thấp ổn định cuộc sống. Thế nhưng đã 2 năm trôi qua, chính sách phát triển và hỗ trợ nhà ở xã hội vẫn nằm trên giấy không hiểu lý do vì sao? Nguyên nhân thuộc về ai và khi nào chính sách vay vốn ưu đãi đến với đối tượng thụ hưởng?

Giải đáp về vấn đề này Thống đốc Lê Minh Hưng cho biết, chủ trương của Chính phủ dùng Ngân sách Nhà nước cấp cho các ngân hàng chính sách cho vay ưu đãi đối với người mua nhà ở xã hội.

lmh_bwwl.jpg
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Lê Minh Hưng tiếp nhận các vấn đề ĐBQH chất vấn tại Hội trường.
Thực hiện theo Nghị định số 100, Ngân hàng Nhà nước đã ban hành quy định và chỉ định 4 ngân hàng cho vay với mức bù chênh lệch lãi suất. Tuy nhiên, việc cho vay đến nay vẫn chưa thực hiện được do ngân sách khó khăn.

“Theo kế hoạch trung hạn giai đoạn đến năm 2020, mới có Ngân hàng Chính sách xã hội bố trí 1.062 tỷ đồng cho vay nhưng chưa được cấp vốn. 4 ngân hàng được chỉ định đến nay vẫn chưa được cấp bù chênh lệch lãi suất”, Thống đốc nêu rõ.

Từ thực tế này, Ngân hàng Nhà nước đã chỉ đạo Ngân hàng Chính sách xã hội có văn bản ứng trước hàng trăm tỷ đồng để cho người có nhu cầu mua nhà vay. Tuy nhiên, đến nay ngân hàng vẫn chờ Bộ Kế hoạch và Đầu tư bố trí vốn. Cùng với đó, Ngân hàng Chính sách xã hội cũng đã tự huy động 500 tỷ đồng để thực hiện ngay chương trình trong năm 2018.

Liên quan đến việc kéo dài Nghị định 67 của Chính phủ về cho vay phát triển khai thác thủy sản, Thống đốc Lê Minh Hưng cho biết, sau khi Chính phủ ban hành nghị quyết này, Ngân hàng Nhà nước đã có văn bản chỉ đạo các Ngân hàng Thương mại của 28 tỉnh, thành tiếp tục thực hiện chính sách tín dụng khai thác xa bờ đến hết 2017. “Hiện nay, hính phủ đã giao Bộ NN&PTNT sửa đổi, bổ sung Nghị định sớm trình Chính phủ ban hành vào quý IV năm nay”, Thống đốc Lê Minh Hưng cho biết./.