Bắt đầu từ ngày hôm nay (20/4), Trung Quốc đồng loạt điều chỉnh giảm tỉ lệ dự trữ bắt buộc tại các ngân hàng với biên độ lớn, một biện pháp được cho là nhằm bơm thêm tiền vào thị trường, qua đó kích thích tăng trưởng kinh tế, trong bối cảnh kinh tế nước này đang đối mặt với áp lực giảm tăng trưởng ngày càng lớn.
Theo quyết định của Ngân hàng Trung ương Trung Quốc, tất cả các ngân hàng thương mại sẽ phải đồng loạt cắt giảm 1% tỉ lệ dự trữ bắt buộc. Đối với các khoản cho vay dành cho lĩnh vực nông nghiệp, nông dân và nông thôn sẽ được phép cắt giảm tiếp 1%. Riêng đối với Ngân hàng Phát triển Nông nghiệp Trung Quốc, tỉ lệ dự trữ bắt buộc còn được giảm thêm 2% nữa.
Với việc điều chỉnh giảm tỉ lệ dự trữ bắt buộc tại các ngân hàng lần này, Trung Quốc sẽ bơm ra thị trường khoảng 1.200 - 1.500 tỷ Nhân dân tệ, tương đương khoảng từ 194 - 242 tỷ USD.
Đây là lần điều chỉnh giảm tỉ lệ dự trữ bắt buộc lần thứ hai trong năm 2015 nhưng với biên độ lớn gấp đôi. Trước đó, ngày 5/2, Ngân hàng Trung ương Trung Quốc cũng đã quyết định cắt giảm dự trữ bắt buộc với tỉ lệ 0,5%.
Ông Từ Hồng Tài, chuyên gia Trung tâm nghiên cứu kinh tế quốc tế Trung Quốc cho rằng, biện pháp giảm tỉ lệ dự trữ bắt buộc chủ yếu nhằm đối phó với tình trạng giảm tăng trưởng kinh tế đang có xu hướng tăng lên.
“Để đảm bảo kinh tế tăng trưởng ổn định, cần phải kịp thời áp dụng chính sách tiền tệ nới lỏng có định hướng. Trong quý 1, tổng lượng cung ứng tiền tệ ra thị trường giảm, khiến doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn về vốn. Việc giảm tỉ lệ dự trữ bắt buộc sẽ cung ứng cho thị trường nhiều tiền hơn, giúp các doanh nghiệp phát triển, thúc đẩy kinh tế tăng trưởng. Biện pháp này là cần thiết và kịp thời đảm bảo cho tổng thể nền kinh tế vận hành ổn định”, ông Tài cho biết./.