Sau vụ Vietnam Airlines, sân bay Nội Bài và Tân Sơn Nhất bị hacker tấn công, chủ tài khoản ngân hàng lo ngay ngáy, nhất là khi các ngân hàng lại dồn dập đưa ra cảnh báo với khách hàng...
Nguy cơ lộ thông tin tài khoản ngân hàng
Khi 411.000 dữ liệu của hành khách đi máy bay bị thu thập và phát tán, nhiều chủ tài khoản lo lắng thông tin cá nhân bị lộ vì đã từng thanh toán tiền mua vé máy bay trên website Vietnam Airlines bằng thẻ tín dụng.
Vietcombank khuyến cáo khách hàng không cung cấp tên hay mật khẩu truy cập ngân hàng điện tử (Internet Banking). |
Đây không chỉ là lo lắng của khách hàng. Sau khi Vietnam Airlines và các sân bay bị hacker tấn công, có thông tin cho rằng hacker sẽ tập trung tấn công vào hệ thống công nghệ thông tin ngành tài chính, ngân hàng hồi cuối tháng 7, đầu tháng 8.
Thông tin này khiến nhân viên công nghệ thông tin nhiều đơn vị đã phải làm việc xuyên các ngày nghỉ cuối tuần để trực chiến với hacker. Rất may, đã không có sự cố nào xảy ra. Nhưng điều đó cũng không đảm bảo hacker chưa “nhòm ngó” đến ngân hàng.
Theo ông Ngô Tuấn Anh - Phó chủ tịch An ninh mạng BKAV cho biết, nguy cơ hacker tấn công vào hệ thống công nghệ thông tin của ngành ngân hàng là có thật. Tuy nhiên, nguy cơ này không phải quá cao vì ngành ngân hàng đầu tư rất lớn cho công nghệ thông tin.
Theo ông Tuấn Anh, hiện tại, mới chỉ ghi nhận vụ việc TPBank bị hacker tấn công. Tuy nhiên, do ngân hàng sớm phát hiện và ngăn chặn nên vụ tấn công đã không diễn ra thành công. Vì vậy, thiệt hại cho khách hàng đã không xảy ra.
Thiệt hại trong hệ thống ngân hàng do hacker gây ra tại Việt Nam chưa lớn nhưng theo ông Tuấn Anh, trong an ninh mạng, không có gì đảm bảo 100%. Hệ thống công nghệ thông tin hôm nay an toàn nhưng ngày mai có thể bị phát hiện lỗ hổng, từ đó hacker lợi dụng để tấn công.
Chuyên gia khuyên dùng chữ ký số
Đứng trước nguy cơ có thể lộ thông tin tài khoản ngân hàng, nhiều ngân hàng đã nhanh chóng đưa ra những hành động cụ thể để bảo vệ khách hàng cũng như uy tín của ngân hàng. Ngay sau vụ Vietnam Airlines và các sân bay bị tấn công, nhiều ngân hàng đã khuyến cáo khách hàng tạm thời khóa thẻ tín dụng. Bản thân các ngân hàng cũng tập trung hơn cho công tác bảo mật.
Đại diện một ngân hàng có vốn gần 27.000 tỷ đồng cho biết, ngân hàng là ngành đầu tư rất nhiều cho công nghệ thông tin vì sử dụng nhiều dịch vụ online. Vì vậy, khi sự cố Vietnam Airlines và các sân bay bị tấn công, ngân hàng này đã tập trung nhân lực cho công nghệ thông tin. Cho tới nay, không có vụ tấn công nào xảy ra. Các hoạt động online vẫn diễn ra bình thường.
Đại diện một ngân hàng thương mại cổ phần có vốn điều lệ 3.000 tỷ đồng cũng xác nhận, việc hoạt động online của ngân hàng vẫn diễn ra bình thường. Dù vậy, các ngân hàng không chủ quan và liên tục đưa ra các cảnh báo về an toàn giao dịch. Trong những ngày gần đây, Vietcombank đã gửi tin nhắn cho hàng cảnh báo về việc lừa đảo qua mạng nhằm đánh cắp thông tin tài khoản.
Vietcombank khuyến cáo khách hàng không cung cấp tên hay mật khẩu truy cập ngân hàng điện tử (Internet Banking), mã mật khẩu một lần (OTP), số thẻ ngân hàng bằng bất cứ hình thức nào qua điện thoại, email, mạng xã hội hay những website, đường link lạ.
Là đơn vị đã từng bị hacker tấn công, TPBank khuyến nghị khách hàng nên đổi thẻ tín dụng mới nếu từng giao dịch để mua vé trên website của Vietnam Airlines. TPBank cam kết sẽ hỗ trợ 60% phí đổi thẻ nhằm đảm bảo an toàn thông tin.
Khẳng định nguy cơ lộ tài khoản ngân hàng khi giao dịch online là có thật, nhưng ông Tuấn Anh cho biết, khách hàng vẫn có thể giao dịch online bình thường. Đi kèm với giao dịch là các biện pháp bảo vệ. Ông Tuấn Anh cho biết, hiện nay đa số các ngân hàng đều áp dụng OTP. Và để an toàn hơn, các đơn vị nên nâng cấp biện pháp bằng chữ ký số./.