Đã hơn nửa tháng trôi qua kể từ khi Chính phủ có chủ trương hỗ trợ lãi suất cho doanh nghiệp triển khai thu mua 1 triệu tấn quy gạo cho nông dân vùng ĐBSCL. Song đến thời điểm này, theo Hiệp hội lương thực Việt Nam các doanh nghiệp mới thu mua chưa được 12%. Nguyên nhân chính hiện nay là nhiều doanh nghiệp khó tiếp cận nguồn vốn ngân hàng theo lãi suất ưu đãi mà Chính phủ đã ban hành.
Theo lý giải của nhiều ngân hàng, hiện các ngân hàng cũng đang tích cực giải ngân cho doanh nghiệp vay tạm trữ. Tuy nhiên tiến độ giải ngân cũng như quy mô tín dụng còn do tình hình tài chính của mỗi doanh nghiệp. Năm ngoái có một số doanh nghiệp do thu mua tạm trữ do không đúng thời điểm bị thua lỗ nên ngân hàng sẽ xem xét từng trường hợp cụ thể để đưa ra quyết định có giải ngân hay không. Bên cạnh các doanh nghiệp khó khăn cho nguyên nhân khách quan thì cũng có doanh nghiệp thực sự không đủ năng lực tài chính, các điều kiện về cơ sở chế biến, xuất khẩu nên sẽ rất khó được ngân hàng chấp thuận giải ngân.
Về phía các doanh nghiệp thì cho rằng, chủ trương của Chính phủ là kịp thời và doanh nghiệp sẽ chấp hành tốt yêu cầu này. Song việc ngân hàng giải ngân chậm, thông qua nhiều tầng nấc đang khiến cho doanh nghiệp khó mua một cách đồng loạt theo chỉ tiêu phân bổ, chưa kể hiện thị trường đầu ra cũng chưa có tín hiệu khả quan nên một số doanh nghiệp cũng chần chừ.
Trong khi ngân hàng và doanh nghiệp còn đang xúc tiến các giải pháp để tháo gỡ các vướng mắc này thì hiện nay, nông dân ở ĐBSCL đang bước vào thu hoạch rộ lúa đông xuân với hơn 800 ngàn ha/ tổng số 1,5 triệu ha. Nhiều địa địa phương dự kiến sẽ thu hoạch dứt điểm cuối tháng 3 đầu tháng 4 này. Song giá lúa dài hiện nay cũng chỉ ở mức 5.500 đ/kg, khó đảm bảo cho nông dân có lãi 30% như yêu cầu của Chính phủ. Và hiện nay, nông dân không đủ kiên nhẫn để chờ việc thu mua tạm trữ bởi lúa chín đầy đồng, phải thu hoạch gấp để chuẩn bị cho vụ hè thu sắp tới, chưa kể bán lúa để trang trải các khoản chi phí sinh hoạt, con cái học hành, khám chữa bệnh.
Tình cảnh lúa ế, lúa chất đầy đồng mà không bán được đang khiến nhiều nông dân ở ĐBSCL điêu đứng. Giải pháp tức thời lúc này là Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ngân hàng nhà nước, Hiệp hội Lương thực Việt Nam cần khẩn trương thống nhất đưa ngay ra giải pháp để tháo gỡ vướng mắc giữa doanh nghiệp và ngân hàng nhằm đẩy nhanh tiến độ thu mua lúa tạm trữ cho nông dân.
Tiến sĩ Lê Văn Bảnh, nguyên Viện trưởng Viện lúa ĐBSCL đề nghị: “Chính phủ có chủ trương rõ rồi thì các ngành như Bộ Công thương, Bộ Nông nghiệp, VFA, các địa phương làm thế nào để có doanh nghiệp có năng lực tiếp cận vốn để đẩy mạnh thu mua, còn nếu khó về đầu ra thì có giải phải ngay. Thực tế chúng ta chỉ mua có 1 triệu tấn tạm trữ trong khi Thái Lan họ mua có khi lên tới 10 triệu tấn từ năm này qua năm khác mà không lúng túng như mình”.
Câu hỏi đặt ra là đã nhiều năm nay, diện tích, năng suất, sản lượng lúa gạo hàng năm đều được tính toán trong kế hoạch của các cấp, các ngành; sản lượng gạo xuất khẩu gạo hằng năm cũng luôn dao động từ 7-8 triệu tấn, song vì sao cứ đến vụ thu hoạch rộ người nông dân ở vựa lúa của cả nước ĐBSCL lại lao đao vì lúa ế; trong khi không vào chính vụ thì doanh nghiệp lại tìm mua lúa để chế biến xuất khẩu thì nông dân lại không có lúa để bán.
Do vậy, theo các chuyên gia, các cấp,các ngành từ trung ương đến địa phương cần có ngay một chiến lược căn cơ, lâu dài giải bài toán đầu cho lúa gạo ở ĐBSCL./.