Bức thư với nội dung tương ứng đã được các đại biểu Duma Quốc gia gửi đến Phòng Thương mại-Công nghiệp, "Gazprom", "Rosneft" cùng các tập đoàn Nhà nước và hãng thương mại lớn khác. Ý tưởng của các nghị sĩ nhận được sự ủng hộ của ông Andrei Kostin đứng đầu VTB, ngân hàng lớn thứ hai ở Nga. Ông Kostin tuyên bố, bước đi như vậy sẽ làm cho nền kinh tế quốc gia giảm sự lệ thuộc vào những tác động bên ngoài.
Câu hỏi về quá trình chuyển đổi từ đồng dollar sang đồng rúp tại Nga đã từng được đưa ra trước đây, nên bây giờ không phải là lần đầu. Nhưng hiện tại trong bối cảnh sự trừng phạt của phương Tây chống Moscows do lập trường của Nga về vấn đề Ukraine, câu hỏi về phương tiện thanh toán trong giao dịch thương mại quốc tế đã trở nên có tính thời sự hơn bao giờ hết. Từ phía Hoa Kỳ và các đồng minh chính trị của Washington đang vang lên những lời hô hào cô lập và hủy diệt khu vực ngân hàng của Nga. Đặt các đối tác thương mại nước ngoài trước yêu cầu dùng tiền rúp trả cho các lô hàng xuất khẩu, Nga sẽ có thể giảm sự phụ thuộc vào những thay đổi thất thường của chính quyền Hoa Kỳ và EU, - nhà lãnh đạo ngân hàng VTB, ông Andrei Kostin tin chắc như vậy.
Ý tưởng này hoàn toàn tương hợp với tình cảm yêu nước đang dâng trào ở nước Nga hôm nay. Nhưng để đưa ý tưởng vào đời sống thực tế sẽ không phải là chuyện đơn giản dễ dàng. Vì rằng đồng dollar là ngoại tệ được thế giới công nhận, và người mua nào phải cực kỳ quan tâm đến xuất khẩu của Nga thì mới chịu từ bỏ cách thanh toán đã quen thuộc và thuận tiện đối với họ. Dầu mỏ và khí đốt là hai vị thế mà từ đó Nga có thể xuất phát, nhưng khi tiếp cận vấn đề vẫn cần phải thực tế, - chuyên viên kinh tế Mikhail Khazin nhấn mạnh.
“Để xem xét câu hỏi này, cần phải tiến hành công việc chính trị to lớn về dầu mỏ và cố gắng bóp nghẹt thị trường dollar, chu trình có thể rất tốn kém. Về khí đốt thì có phần đơn giản hơn. Mặc dù cần để khách hàng mua gas mang bản tệ của họ đến các cuộc bán đấu giá của Nga và mua tiền rúp. Ở đây đòi hỏi công việc kỹ thuật khá nghiêm túc”, - nhà kinh tế cảnh báo.
Bình luận về khả năng chuyển đổi từ dollar sang thanh toán bằng đồng rúp, một số chuyên viên thể hiện sự lo ngại rằng các nhà xuất khẩu của Nga có thể bị thiệt hại do lạm phát, khi đồng rúp bị tổn thương. Thời gian gần đây, tỷ giá rúp rơi ổn định khoảng 5-7% mỗi năm. Nhưng ông Mikhail Khazin phản bác rằng, nếu có sự chuẩn bị các hợp đồng thích hợp một cách thông minh, điều đó sẽ không ảnh hưởng đến doanh thu của các hãng.
“Hiện tại đồng rúp rơi giá, nhưng ngày mai nó có thể tăng. Đồng dollar trước đây từng cao giá hơn nhiều so với hiện tại, nó rớt giá chừng 2 - 2,5 lần trong vòng 10 năm qua mà chẳng sao, chuyện đó có làm ai lo ngại đâu?”.
Điều cần lo lắng là khả năng củng cố quá mức của đồng rúp, chắc chắn sẽ xảy ra trong trường hợp nâng cao nhu cầu với đồng tiền Nga từ phía các khách hàng nước ngoài, dù chỉ ở bình diện mua mặt hàng hydrocacbon Nga, - ông Mikhail Krylov Giám đốc bộ phận phân tích của hãng UnitedTraders nêu ý kiến.
“Nếu 44% xuất khẩu nguyên liệu chuyển hóa thành rúp, thì đồng bản tệ của chúng ta sẽ tăng giá rất cao, dẫn đến thương mại với chúng ta sẽ không có lợi. Nếu như một số người đề xuất đồng rúp cũng được chuyển đổi thành các khoản có tài sản khác, chẳng hạn như mua vàng, thì chúng ta sẽ bị mất giá một lần nữa”, - chuyên viên phân tích cảnh báo.
Nhìn chung, các chuyên viên cho rằng quá trình chuyển đổi trong thanh toán quốc tế bằng đồng rúp có thể là triển vọng dài hạn. Nhưng dù sao cũng cần vạch kế hoạch ngay từ bây giờ. Trong đó, nên nghiên cứu học tập kinh nghiệm của Trung Quốc. Bắc Kinh đã từ lâu thực hiện những bước đi trong lĩnh vực tiền tệ để giảm bớt sự phụ thuộc vào đồng dollar, chuyển sang thanh toán với các đối tác bằng cả đồng nhân dân tệ. Còn sự lệ thuộc quá mức vào đồng dollar Mỹ có thể được xóa bỏ trong tương lai gần. Để làm được như vậy, nên sử dụng giỏ ngoại tệ, trong đó đưa đồng tiền quốc gia vào các giao dịch với những đối tác thương mại cơ bản của Liên bang Nga cũng như có tỷ giá ổn định của các ngoại tệ khác./.