Ngày 2/5, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã phê chuẩn Hiệp ước thành lập Quỹ Dự trữ ngoại tệ chung cho các nước thành viên Nhóm các nền kinh tế mới nổi hàng đầu thế giới (BRICS), gồm Brazil, Ấn Độ, Trung Quốc, Nga và Nam Phi. Đây là một phần trong kế hoạch quy mô lớn của BRICS nhằm tiến tới giảm sự phục thuộc vào hệ thống tài chính do phương Tây chi phối.

Theo kế hoạch, Quỹ Dự trữ ngoại tệ chung của BRICS sẽ có tổng số tiền lên đến 100 tỷ USD. Trung Quốc là quốc gia đóng góp nhiều nhất với 41 tỷ USD, Nam Phi ít nhất với 5 tỷ USD. Còn lại Nga, Brazil và Ấn Độ mỗi nước sẽ đóng góp 18 tỷ USD.

Quỹ Dự trữ ngoại tệ chung cho BRICS được thành lập sau khi các bên ký kết một thỏa thuận hồi tháng 7/2014 tại Brazil. Quỹ này được cho là nhằm bảo vệ các nước BRICS khỏi các "áp lực thanh khoản ngắn hạn" và thúc đẩy hợp tác hơn nữa giữa các nước thành viên.

Theo hiệp ước này, mỗi quốc gia thành viên BRICS có thể đề nghị các nước còn lại trong nhóm cho vay từ quỹ dự trữ ở bất kỳ thời điểm nào. Tuy nhiên, số tiền được nhận của mỗi quốc gia là khác nhau và phải được tất cả các nước thành viên thông qua.

BRICS bao trùm 26% tổng diện tích toàn cầu và 42% dân số thế giới. Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của các nước thành viên chiếm 25% tổng GDP thế giới và 15% tổng kim ngạch thương mại toàn cầu./.