Trong ngày làm việc cuối cùng của phiên họp thứ 32 diễn ra sáng 9/10, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thảo luận và cho ý kiến về các báo cáo của Chính phủ về tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2014 cũng như thảo luận cho ý kiến về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và công tác dự toán ngân sách nhà nước năm 2015.
Trong báo cáo tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2014 trình trước Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh cho biết, 9 tháng đầu năm kinh tế - xã hội có chuyển biến tích cực, đạt mức tăng trưởng 5,62% cao hơn cùng kì năm 2013 với mức 5,14%.
Đánh giá kết quả phát triển kinh tế - xã hội cả năm 2014, Bộ trưởng Bùi Quang Vinh dự báo chỉ tiêu phát triển ước đạt trên 5,8% tổng sản phẩm trong nước (GDP) cao hơn mức 5,8% so với chỉ tiêu Quốc hội đề ra. Trong tổng số 14 chỉ tiêu Quốc hội đề ra trong kế hoạch năm 2014, dự báo có 13 chỉ tiêu đạt xấp xỉ, đạt và vượt kế hoạch, chiếm 93% tổng số chỉ tiêu kế hoạch, một chỉ tiêu không đạt kế hoạch là tỷ lệ lao động qua đào tạo.
Bộ trưởng Bùi Quang Vinh cũng đưa ra dự thảo kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2015 với kì vọng đạt mức cao hơn, dự kiến GDP phấn đấu tăng khoảng 6,2%; tổng kim ngạch xuất nhập khẩu tăng khoảng 10%, bội chi ngân sách so với GDP khoảng 5%; tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng khoảng 5%.
Cân đối ngân sách nhà nước vẫn còn khó khăn
Thẩm tra báo cáo của Chính phủ về tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2014, Chủ nhiệm Ủy ban kinh tế Quốc hội Nguyễn Văn Giàu cho rằng, Chính phủ đã hết sức nỗ lực trong công tác chỉ đạo, điều hành. Nền kinh tế cơ bản thực hiện đạt và vượt mục tiêu tổng quát năm 2014 theo Nghị quyết của Quốc hội đề ra.
Trong đó, kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định, các cân đối lớn của nền kinh tế về cung - cầu hàng hóa, tích lũy - đầu tư, xuất nhập khẩu, thanh toán quốc tế, thu chi ngân sách, lao động và việc làm ổn định hơn so với năm trước, mặt bằng lãi suất tiếp tục giảm, an sinh xã hội, các chính sách giảm nghèo được quan tâm và triển khai đồng bộ.
Tuy nhiên, Ủy ban kinh tế Quốc hội cũng cho rằng, trong 9 tháng đầu năm, việc cân đối ngân sách nhà nước hết sức khó khăn, đã phải sử dụng hết các tiềm lực tài chính công, huy động nguồn trái phiếu Chính phủ ở mức cao và cả việc sử dụng bội chi để bù đắp chi thường xuyên, ảnh hưởng đến việc thực hiện các chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội không chỉ cho năm nay và trong các năm tiếp theo.
Đặc biệt, trong giai đoạn 2011 - 2015, các chỉ tiêu kinh tế - xã hội, môi trường đạt thấp theo Nghị quyết Quốc hội đề ra, dự báo sẽ có 6 chỉ tiêu không đạt bao gồm tốc độ tăng trưởng kinh tế, tổng vốn đầu tư phát triển, tạo việc làm, tỷ lệ che phủ rừng, tỷ lệ khu công nghiệp có hệ thống xử lý nước thải tập trung, tỷ lệ lao động qua đào tạo và chỉ tiêu về bội thu ngân sách so với GDP.
Tại phiên họp này, Ủy ban Tài chính, ngân sách của Quốc hội cũng cho rằng, Chính phủ đã bám sát các Nghị quyết của Đảng, Quốc hội về nhiệm vụ tài chính ngân sách năm 2014 cũng như kế hoạch 5 năm 2011- 2015. Chính sách tài chính đã góp phần phát triển kinh tế - xã hội, ổn định kinh tế vĩ mô bảo đảm an sinh xã hội và phúc lợi xã hội, quốc phòng an ninh được tăng cường.
Tuy nhiên trong kế hoạch phát triển kinh tế cũng như huy động vốn từ thuế và phí có xu hướng giảm dần qua các năm. Các chính sách thu Ngân sách Nhà nước còn bất cập làm giảm nguồn thu, một số chính sách chi không được thực hiện theo lộ trình như việc tăng lương cơ bản, kinh phí cho một số chính sách xã hội hoặc chính sách xã hội tăng nhanh so với khả năng cân đối ngân sách.
Đánh giá về dự toán thu - chi ngân sách năm 2014, ông Nguyễn Hạnh Phúc, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội hoài nghi với việc thu ngân sách địa phương tăng cao có thể không sát thực với thực tế.
“Mặc dù nguồn thu năm 2015 được đề ra cao hơn năm 2014 nhưng thực tế số doanh nghiệp kê khai lỗ, doanh nghiệp ngừng hoạt động tăng lên; nợ xấu có xu hướng quay trở lại, tăng trưởng một số ngành là có nhưng thu thuế đạt thấp. Nếu không làm rõ mức thu năm 2014 sẽ không có cơ sở làm quyết định cho việc tăng chi trong năm 2015”, ông Nguyễn Hạnh Phúc cho biết.
Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc của Quốc hội Kso Phước đánh giá, trong bức tranh tổng thể về nền kinh tế - xã hội của Chính phủ cần xác định rõ hơn về vai trò, trách nhiệm trong công tác điều hành. Cần lưu ý đến việc tăng nguồn lực đầu tư toàn xã hội sẽ làm ảnh hưởng trực tiếp đến ngân sách.
“Hiện nay, nhân tố nông dân, nông thôn chưa thực sự được quan tâm, khi đại đa số nông dân có thu nhập cực kì thấp, trong khi tiềm năng và lợi thế về sản xuất nông nghiệp không thiếu. Hơn nữa, hiện nay đã có một vài nơi đã xuất hiện vùng chuyên canh nhưng vẫn là phát triển tự phát, không có quy hoạch rõ ràng dẫn đến thiệt hại lớn cho người nông dân”, ông Kso Phước chỉ rõ.
Ông Nguyễn Xuân Cường, Phó trưởng Ban Kinh tế Trung ương thẳng thắn nhìn nhận, những tháng đầu năm 2014, ngoài những thuận lợi để đạt được mục tiêu phát triển kinh tế còn có những khó khăn không lường trước như vụ việc dàn khoan HD 981. Mặc dù nhóm phát triển ổn định ở mức độ vừa phải đã đạt được nhưng 3 khâu đột phá cần phân tích sâu, chưa thể đưa ra ngay giải pháp. Bên cạnh đó, việc đổi mới mô hình tăng trưởng từ chiều rộng sang chiều sâu vừa qua kết quả chưa rõ, vẫn dựa vào đầu tư vốn ngân sách và tài nguyên, năng lực cạnh tranh chưa cao.
Tiếp tục khắc phục những tồn tại
Đánh giá các báo cáo của Chính phủ về tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2014 cũng như cho ý kiến về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và công tác dự toán ngân sách nhà nước năm 2015, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng chỉ rõ: Các báo cáo cần ngắn gọn hơn, bám sát mục tiêu Quốc hội đã đề ra.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cho rằng, mặc dù các chỉ tiêu đạt được khá toàn diện đã chứng tỏ sự nỗ lực của toàn hệ thống chính trị. Tuy nhiên, những tồn tại cần khắc phục còn nhiều, cơ cấu kinh tế chưa thực tốt, năng suất lao động, sức cạnh tranh còn thấp. Trước mắt chưa thể yên tâm với việc khống chế mức lạm phát đề ra trong khi nợ công là mối đe dọa, cân đối ngân sách chưa tích cực, mô hình kinh tế với những sản phẩm chủ lực vẫn kém và quốc phòng - an ninh vẫn bị đe dọa.
Chủ tịch Quốc hội cũng nhấn mạnh, hiện nay thị trường của Việt Nam vẫn chưa ở trong thế chủ động, tính độc lập, tự chủ trong xu thế hội nhập vẫn chưa mạnh, do vậy cần đưa ra những giải pháp tích cực, cụ thể hơn nữa. Đối với các chỉ tiêu 5 năm từ 2014 - 2015 với nhiều chỉ tiêu chưa đạt cần phải phân tích rõ hơn để thấy nhiệm vụ trong năm 2015 là hết sức nặng nề.
Chủ tịch Quốc hội cũng lưu ý Bộ Tài chính cần tính toán lại tỉ lệ thu - chi ngân sách. Trong đó tăng chỉ tiêu thu; chi ngân sách theo tinh thần tiết kiệm, cân bằng thu chi theo thế chủ động, tăng tích lũy tiêu dùng cho đầu tư, dự phòng dự trữ với cơ cấu chi ngân sách nhà nước 30% cho phát triển, 50% cho đầu tư và 20% để trả nợ và dành cho tích lũy.
Kết luận và bế mạc phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nhấn mạnh, hơn lúc nào hết việc ổn định kinh tế vĩ mô luôn phải chú trọng đến chất lượng. Trong đó, cần phân tích sâu hơn các yếu tố trong phát triển kinh tế với bài toán về việc phát triển bền vững. Cần phải tiếp tục duy trì các chương trình mục tiêu kinh tế nhưng cụ thể hơn, tránh giàn trải, đồng thời tiết kiệm chi thường xuyên, tăng giải quyết nợ và xóa đói giảm nghèo.
Chủ tịch Quốc hội cũng giao cho các thành viên của Ủy ban Thường vụ Quốc hội soạn thảo Nghị quyết phát triển kinh tế xã hội với những những nét cụ thể, trình Quốc hội thông qua trong kì họp sắp tới./.