Trong thời gian vừa qua, tình trạng tín dụng đen là một vấn đề nhức nhối đối với các cơ quan quản lý. Nhằm dẹp bỏ vấn nạn này, các công ty tài chính (CTTC) đã được tạo điều kiện hoạt động dễ dàng, minh bạch hơn.

Một trong những nỗ lực mới đây của Ngân hàng Nhà nước chính là việc ban hành thông tư 43, quy định cho vay tiêu dùng của các CTTC có hiệu lực từ ngày 15/3/2017.

Theo đó, hoạt động cho vay tiêu dùng của các CTTC hiện đã có một khung pháp lý riêng, không còn bị đối xử như một ngân hàng thương mại như trước đây.

lsuat_tusg.jpg
Lãi suất cho vay tiêu dùng của các CTTC hiện đang ở mức cao. (Ảnh minh họa: KT)
Ngoài ra, thông tư 43 cũng có những quy định mới liên quan đến quy đổi lãi suất theo năm, thời gian gọi điện nhắc nợ với khách hàng, đơn giản hoá về hồ sơ vay vốn…

Những điều khoản này sẽ góp phần tăng cường việc minh bạch hoá hoạt động cho vay tiêu dùng của các CTTC, đơn giản hoá các thủ tục cho vay, cũng như hướng đến bảo vệ tốt nhất quyền lợi người tiêu dùng.

Vai trò của tài chính tiêu dùng là không thể phủ nhận, tuy nhiên, vẫn còn các ý kiến cho rằng lãi suất cho vay tiêu dùng của các CTTC hiện đang ở mức cao.

Giải thích vấn đề này, ông Phạm Xuân Hòe - Phó Viện trưởng Viện chiến lược Ngân hàng cho biết thứ nhất, đối tượng khách hàng phục vụ và phương thức hoạt động của CTTC tiêu dùng rất khác NHTM nên không thể so sánh mức lãi suất của 2 tổ chức tín dụng này với nhau.

Các NHTM tập trung vào nhóm khách hàng đạt chuẩn về điều kiện cấp tín dụng và cung cấp các khoản vay tiêu dùng có tài sản đảm bảo, gói vay lớn nên rủi ro thấp hơn, kéo theo mức lãi suất cũng sẽ thấp hơn. Trong khi đó, các CTTC hướng đến phân khúc khách hàng gồm nhóm đối tượng “dưới chuẩn”, không đáp ứng đủ điều kiện cấp tín dụng của ngân hàng.

Thứ hai, mức độ rủi ro khi cho vay của các CTTC cao hơn nên phần bù rủi ro trong yếu tố cầu thành lãi suất tăng cao.

Các CTTC cung cấp các khoản vay nhỏ, không tài sản đảm bảo, phục vụ nhu cầu mua sắm trang thiết bị gia đình, xe máy, tiền mặt phục vụ nhu cầu đột xuất… thủ tục lại phải rất nhanh chóng, thuận tiện. Trong khi đó, quy định, thủ tục của các NHTM thường rất nhiều và tốn kém thời gian thẩm định.

Thứ ba, chi phí vốn đầu vào của các CTTC luôn ở mức cao nên lãi suất cho vay cũng cao tương ứng. Do phải hoạt động bằng vốn điều lệ cộng với phát hành trái phiếu cho các pháp nhân là người mua, đi vay các NHTM mà không được trực tiếp huy động vốn từ dân cư hay doanh nghiệp như NHTM nên chi phí vốn đầu vào của các CTTC luôn bị “đội” lên khá nhiều.

Thứ tư, chi phí hoạt động trên một khoản vay ở mức cao. Do các khoản vay của CTTC có giá trị nhỏ, kỳ hạn ngắn (khoảng 6 - 18 tháng) trong khi chi phí thẩm định, làm hồ sơ thủ tục, thu hồi nợ, quản lý, phí phục vụ,… cũng vẫn giống như một khoản vay thông thường, dẫn đến việc họ buộc phải áp dụng mức lãi suất cao hơn NHTM.

Còn theo TS. Cấn Văn Lực, về lãi suất cho vay tiêu dùng không nên khống chế trần lãi suất, thực tế đã cho thấy đa số các nước đều áp dụng lãi suất thỏa thuận. “Lãi suất cho vay tiêu dùng tại Việt Nam từ 20-25%, không cao so với các nước trên thế giới và tương đương với Trung Quốc và Ấn Độ”, ông Lực nói./.