Theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới (WB), chất lượng nguồn nhân lực của Việt Nam chỉ đạt mức 3,79 điểm (trong thang điểm 10), xếp hạng thứ 11 trong số 12 quốc gia được khảo sát tại châu Á. Còn tại một báo cáo của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) vừa công bố, năng suất lao động của Việt Nam chỉ bằng khoảng 1/5 so với Malaysia và 2/5 Thái Lan và 1/15 lao động Singapore.
Giới chuyên gia kinh tế nhìn nhận, chất lượng lao động không cao là nguyên nhân khiến cho năng suất lao động của Việt Nam ở bậc thấp. Việt Nam thiếu hẳn một lực lượng lao động có thể đáp ứng yêu cầu công việc.
Theo TS. Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM), yêu cầu của nền kinh tế hiện đại, đòi hỏi tư duy phải đột phá để hướng đến một nền kinh tế sáng tạo, nâng cao khoa học công nghệ, tạo ra giá trị gia tăng cao.
Năng suất lao động của Việt Nam xếp áp chót so với các quốc gia châu Á. (Ảnh minh họa: KT) |
“Xu hướng tăng dân số giảm xuống thì việc gia tăng số lượng lao động cho nền kinh tế đương nhiên tụt giảm cho nên đòi hỏi phải gia tăng năng suất lao động”, ông Cung nhận định.
Viện trưởng CIEM cũng nêu thực tế, hiện có nhiều doanh nghiệp đã rất chủ động trong việc nỗ lực tìm tòi sáng tạo, nâng cao khoa học công nghệ, đó là động lực để giảm chi phí. Thế nhưng bên cạnh đó, vẫn còn một số lượng không nhỏ những doanh nghiệp tìm kiếm mối quan hệ để kinh doanh. Những doanh nghiệp kinh doanh nhờ “quan hệ” hoàn toàn không có động lực để giảm chi phí.
“Khi doanh nghiệp vẫn còn lối tư duy sử dụng mối quan hệ để kinh doanh, dựa vào các mối quan hệ để mong được kinh doanh thuận lợi thì những yêu cầu về sự phát triển bền vững vẫn rất xa vời, đừng mơ phát triển được bền vững. Đây chính điểm chúng ta cần cải cách, thay đổi để tạo ra động lực phát triển”, TS. Nguyễn Đình Cung nhấn mạnh.
Theo phân tích của các chuyên gia kinh tế, tỷ lệ đóng góp của năng suất lao động vào tốc độ tăng trưởng kinh tế hiện nay không bền vững, phần lớn các ngành, các lĩnh vực kinh tế đang tăng trưởng theo bề rộng.
Chính vì thế, từ chỗ tăng trưởng kinh tế nhiều năm qua chủ yếu dựa vào gia tăng vốn đầu tư, thâm dụng lao động chi phí thấp và khai thác nguồn tài nguyên, đã đến lúc cần xác định tăng trưởng kinh tế bền vững phải dựa vào năng suất lao động.
Cùng với đó chính là việc không ngừng đổi mới tư duy sáng tạo, nâng cao trình độ tiếp cận khoa học công nghệ, đầu tư có trọng điểm cho nguồn nhân lực chất lượng cao dành cho nghiên cứu phát triển, tạo lực đẩy cho nền kinh tế bền vững trong tiến trình hội nhập./.
Năng suất lao động là yếu tố quyết định tăng trưởng kinh tế