Chính phủ Mỹ thông qua Đại diện Thương mại Mỹ đã chính thức công bố quyết định gia hạn Hệ thống ưu đãi thuế quan phổ cập (GSP) cho Indonesia. Thông báo của Bộ Ngoại giao Indonesia ngày 31/10 cho biết, quyết định gia hạn được đưa ra 1 ngày sau cuộc gặp của Tổng thống Joko Widodo với Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo tại Jakarta vào ngày 29/10. GSP cũng là vấn đề được Ngoại trưởng Indonesia, bà Retno Marsudi đưa ra trong cuộc gặp song phương với người đồng cấp Mỹ cùng ngày.
Nữ Ngoại trưởng Indonesia cho biết, trong thời gian gần đây, chính phủ Indonesia tích cực hoàn thành việc rà soát GSP. Bà Retno Marsudi khẳng định: “Indonesia hoan nghênh quyết định gia hạn GSP của Mỹ. Việc cung cấp các cơ sở GSP là một hình thức cụ thể của quan hệ đối tác chiến lược giữa hai nước, không chỉ mang lại lợi ích tích cực cho Indonesia, mà còn cho hoạt động kinh doanh ở Mỹ”.
Theo Bộ trưởng điều phối các vấn đề hàng hải và đầu tư Indonesia, Luhut B. Pandjaitan, trong bối cảnh thương mại quốc tế suy giảm do đại dịch Covid-19, việc cung cấp ưu đãi thuế quan phổ cập sẽ giúp cải thiện hoạt động xuất khẩu của Indonesia sang Mỹ.
Trong khi đó, theo Đại sứ Indonesia tại Mỹ Muhammad Lutfi, việc mở rộng cơ sở GSP do Mỹ cung cấp cho thấy sự tin tưởng cao của Chính phủ Mỹ đối với các cải tiến khác nhau của các quy định trong nước, do Chính phủ Indonesia thực hiện nhằm tạo ra môi trường đầu tư và kinh doanh thuận lợi hơn trong nước.
“Sau khi Đại diện Thương mại Mỹ công bố quyết định gia hạn, chúng tôi ngay lập tức soạn thảo kế hoạch làm việc và lộ trình, để tối ưu hóa các cơ sở giảm thuế nhập khẩu cho các sản phẩm xuất khẩu của Indonesia tại thị trường Mỹ”, Đại sứ Indonesia tại Mỹ Muhammad Lutfi nói.
Bộ trưởng Điều phối Luhut Pandjaitan cũng cho biết thêm, để nhấn mạnh cam kết của Chính phủ Indonesia tiếp tục tối ưu hóa tiềm năng hợp tác cao trong lĩnh vực kinh tế và thương mại của hai nước, ở hiện tại và tương lai, Indonesia sẽ đề xuất tổ chức đàm phán về thỏa thuận thương mại giới hạn trong lĩnh vực thông tin, truyền thông và công nghệ giữa Indonesia và Mỹ.
Theo Bộ trưởng Luhut, thỏa thuận dự kiến sẽ giúp thúc đẩy thương mại hai chiều giữa Indonesia và Mỹ đạt 60 tỷ USD vào năm 2024. Cường độ hợp tác cao trong lĩnh vực thương mại giữa hai nước cũng là chất xúc tác hiệu quả để gia tăng dòng vốn đầu tư giữa hai bên, kể cả từ Mỹ sang Indonesia.
Hệ thống ưu đãi thuế quan phổ cập là cơ sở thương mại dưới hình thức miễn thuế nhập khẩu, được Chính phủ Mỹ đơn phương trao cho các nước đang phát triển trên thế giới từ năm 1974. Indonesia nhận cơ sở GSP lần đầu tiên từ Mỹ vào năm 1980.
Theo Bộ Ngoại giao Indonesia, trong những năm gần đây, việc Mỹ gia hạn các cơ sở GSP là tương đối hiếm. Ngay cả với một số quốc gia là đối tác thương mại của Mỹ chẳng hạn như Ấn Độ và Thổ Nhĩ Kỳ, các cơ sở GSP của họ đã bị chấm dứt từ năm 2019.
Dựa trên dữ liệu thống kê của Ủy ban Thương mại Quốc tế Mỹ, năm 2019, xuất khẩu của Indonesia qua GSP đạt 2,61 tỷ USD, tương đương với 13,1% tổng kim ngạch xuất khẩu của Indonesia sang Mỹ.
Tính đến tháng 8 năm 2020, giá trị xuất khẩu GSP của Indonesia sang Mỹ đạt 1,87 tỷ USD, tăng 10,6% so với cùng kỳ năm trước. Indonesia hiện là quốc gia xuất khẩu thông qua GSP lớn thứ 2 tại Mỹ sau Thái Lan./.