Tại buổi tọa đàm "Những điểm nhấn trong sửa đổi 5 luật thuế" sáng 12/9, chuyên gia kinh tế Vũ Đình Ánh cho rằng, chính sách thuế có nhiều cách chứ không chỉ điều chỉnh thuế suất, nhất là với sắc thuế rộng như thuế giá trị gia tăng (VAT).

vov_toa_dam_joia.jpg
TS. Vũ Đình Ánh (ngoài cùng bên trái) cùng các khách mời tại buổi tọa đàm sáng nay (12/9)

Theo TS. Vũ Đình Ánh, lựa chọn đầu tiên là mở rộng đối tượng chịu thuế. Tăng thuế suất là lựa chọn cuối cùng, và cần để ý các sắc thuế khác chứ không nên chỉ VAT.

Chuyên gia kinh tế Vũ Đình Ánh cho rằng, thuế VAT có thể được cân nhắc tăng từ 10% lên 12%, thậm chí sau năm 2018 có thể bàn đến chuyện tăng tiếp từ 12% lên 14%, tuy nhiên phải đưa ra được căn cứ, lý do tại sao tăng và thời điểm khi nào tăng thì phù hợp?

Đánh giá về việc Việt Nam đang cắt giảm nhiều loại thuế trực thu và tăng thuế gián thu (trong đó có thuế VAT), TS. Ánh nêu quan điểm: Tác động lên nguồn thuế trực thu thì cũng sẽ tác động đến nguồn thuế gián thu. Đó là kết quả của việc Việt Nam mở cửa thị trường và chịu tác động của các cam kết quốc tế. Việc giảm thuế xuất khẩu và nhập khẩu không chỉ tạo điều kiện cho hàng hóa nước ngoài vào Việt Nam, mà còn giúp hàng hóa của các doanh nghiệp Việt được xuất đi nước ngoài.

Đối với nguồn tổng thu thuế, phí, có nhiều mục tiêu nhưng cần điều chỉnh quy mô từng ngành vào ngân sách nhà nước, điều chỉnh cơ cấu dựa trên nội dung Nghị quyết 07 của Bộ Chính trị về cơ cấu lại Ngân sách Nhà nước. Việc điều chỉnh hai sắc thuế trực thu là thu nhập doanh nghiệp (TNDN) và thu nhập cá nhân (TNCN) cần chú ý để không tác động đến khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp và các hộ gia đình, ông Ánh lưu ý.

Về tác động đến thuế gián thu, theo chuyên gia này, có nhiều cách để lựa chọn để điều chỉnh quy mô và cơ cấu. Thứ nhất, hoàn toàn căn cứ và Nghị quyết Bộ Chính trị, mở rộng đối tượng chịu thuế, diện thu thuế. Trong dự thảo lần này có đề cập đến thuế VAT, thuế tài nguyên, thuế TNCN, thậm chí TNDN.

Thứ hai, giảm ưu đãi, hỗ trợ không cần thiết, trong bối cảnh ở Việt Nam đang rà soát ưu đãi thực sự để giảm bớt những không cần thiết.

Thứ ba, chống thất thu, phải tạo môi trường kinh doanh bình đẳng với các doanh nghiệp đều thực hiện nghiêm về thuế. Cuối cùng mới là lựa chọn điều chỉnh thuế suất.

Chia sẻ quan điểm này, ông Đào Huy Giám, Tổng thư ký Diễn đàn Kinh tế tư nhân (VPSF), nguyên Trưởng cơ quan đại diện Thương mại Việt Nam tại WTO nhấn mạnh, tăng thuế không hẳn đã tạo ra nguồn thu tốt, có những thời điểm giảm thuế lại tăng nguồn thu ở những lĩnh vực sản xuất, kinh doanh. Việc tăng thuế cần nhìn nhận khách quan và không nên tạo cú sốc cho cộng đồng.

Ông Giám cho rằng, doanh nghiệp phải chia sẻ khó khăn với nhà nước, phải làm sao để nguồn thu từ nhóm này cao hơn mà họ vẫn được hưởng nhiều ưu đãi hơn.

8 tháng đầu năm nay, Việt Nam có 105.000 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, trong đó khoảng 90% là các doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ. Các doanh nghiệp này vẫn có lãi và có thể đóng thuế, tuy nhiên thực tế nhóm này lại chưa đóng góp nhiều cho nguồn thu ngân sách. Vì vậy, thay vì giảm thuế TNDN xuống còn 15 - 17% thì giảm thành 10 - 15%, ông Giám đề xuất./.