Bất kỳ lĩnh vực nào, Nhà nước, cơ quan quản lý cũng phải đóng vai trò như một “nhạc trưởng”. Nhà nước, ngoài việc hoạch định các chính sách đầu tư, chính sách phát triển ngành thì còn là người đứng ra giải quyết hài hòa lợi ích của các bên: doanh nghiệp – nông dân. Nếu chính sách tốt sẽ mở đường cho một loại hàng hóa phát triển mạnh. Ngược lại, nhiều khi chính sách lại là rào cản khiến doanh nghiệp không thể xoay sở, thậm chí mất phương hướng, mất khả năng cạnh tranh, thất thế ngay chính trên sân nhà.
Theo Tổng cục Thủy sản, nhu cầu tiêu dùng các sản phẩm từ tôm trên thế giới là rất lớn, đây là một trong những sản phẩm được đánh giá là cung luôn thấp hơn cầu. Theo dự báo của một số tổ chức quốc tế, đến năm 2020 trong điều kiện không bị dịch bệnh, thiên tai… và với tốc độ phát triển như hiện nay thì nguồn cung tôm trên thế giới có thể thiếu hụt đến trên 2 triệu tấn. Dư địa để phát triển ngành tôm còn rất lớn. Vấn đề của chúng ta là cách ứng xử chính sách để phát triển con tôm cho tương xứng tiềm năng.
Xây dựng chuỗi sản xuất tôm – yêu cầu tất yếu
Hiện nay, tôm nước lợ đang được nuôi tập trung ở 28 tỉnh ven biển, với diện tích nuôi trên 720 ngàn ha, sản lượng đạt gần 690 ngàn tấn (tôm sú và tôm thẻ).
Theo ông Trần Đình Luân – Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản, Bộ NN-PTNT: Diện tích nuôi nuôi tôm thâm canh hiện vẫn còn dưới 100 ngàn ha và năng suất bình quân mới đạt khoảng 4 tấn/ha/vụ, hoàn toàn có thể tăng lên gấp 1,5 lần về diện tích và ứng dụng khoa học công nghệ để tăng năng suất bình quân lên gấp 2 lần, giảm tác động đến môi trường xung quanh. Ngành tôm có tiềm năng lợi thế trong các sản phẩm chủ lực của ngành nông nghiệp ở nước ta nên cần phát triển thành ngành hàng sản xuất công nghiệp, thích ứng với biến đổi khí hậu, phát triển bền vững và thân thiện với môi trường theo hướng: công nghệ cao, thân thiện với môi trường. Mô hình được cho là phù hợp nhất hiện nay chính là xây dựng các chuỗi giá trị tôm. Bởi khi tham gia vào chuỗi giá trị, người dân – doanh nghiệp có thể cùng nhau giải quyết rất nhiều vấn đề. Đơn cử, chính sách ưu đãi của Ngân hàng Nông nghiệp Agribank quy định “Doanh nghiệp/hộ nào làm 3 khâu trong chuỗi trở lên sẽ được giảm 100% lãi suất”, nhưng số lượng doanh nghiệp hay trang trại làm được như thế vô cùng hạn chế, khiến người dân cứ loanh quanh mãi câu hỏi về vốn.
Nuôi tôm theo công nghệ sạch siêu thâm canh tại Công ty Trúc Anh, tỉnh Bạc Liêu. |
Nhận diện rõ hơn về chuỗi giá trị, TS Phạm Thị Huyền - Trưởng Bộ môn Marketing, ĐH Kinh tế Quốc dân phân tích: Chuỗi giá trị thủy sản nói riêng và nông sản nói chung thường có sự tham gia của số lượng rất đông các hộ nông dân với trình độ sản xuất, ý thức kinh doanh và nhận biết về thị trường nông nghiệp rất khác nhau. Điều này làm cho chuỗi giá trị trở nên phức tạp và rất khó điều chỉnh để có thể tạo ra khối lượng lớn sản phẩm đồng nhất về chất lượng, đặc biệt là khả năng tự điều chỉnh quy mô sản xuất theo tín hiệu của thị trường. Trong tất cả các tác nhân tham gia chuỗi thủy sản, doanh nghiệp đóng vai trò tạo đầu ra cho sản phẩm, nắm bắt được xu thế thị trường, yêu cầu của người tiêu dùng và để quảng bá nơi sản xuất của những sản phẩm đó. Doanh nghiệp là nơi quyết định sản xuất, xem xét thị trường để điều tiết sản xuất, tránh sự không hợp lý giữa cung và cầu. Do đó, vai trò doanh nghiệp là hết sức quan trọng, là mấu chốt trong chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn.
Nếu không tham gia vào các chuỗi giá trị, các tổ hợp tác, HTX... thì những người nuôi tôm nhỏ lẻ sẽ mãi đơn độc. |
“Cơ quan nhà nước phải đứng ra phân xử nếu có mâu thuẫn giữa nhà sản xuất và doanh nghiệp. Nguyên tắc để xây dựng chuỗi đảm bảo sự cân bằng và lợi ích của cả đôi bên, người nông dân phải tập hợp với nhau thành hợp tác xã, có người đại diện đứng ra bảo vệ quyền lợi khi ký hợp đồng với doanh nghiệp và người đại diện sẽ đứng ra khi có vấn đề tranh chấp giữa 2 bên, và cũng là người đại diện trước pháp luật” – TS Phạm Thị Huyền nói.
Ông Đinh Xuân Lập - Phó Giám đốc Trung tâm Hợp tác quốc tế nuôi trồng và khai thác thủy sản bền vững (ICAFIS) chia sẻ: “Nông hộ tự canh tác theo khả năng của mình sẽ không thể tiến đến sản xuất lớn được. Thói quen sử dụng đồng tiền của người dân khiến các ngân hàng thương mại không còn tin tưởng để cấp vốn. Khi tham gia vào chuỗi giá trị, tất cả con giống, thức ăn được cung cấp cho người dân theo chu trình khép kín, người dân sẽ không được cần tiền mặt để chi tiêu theo ý mình mà dòng vốn ngân hàng cho vay chỉ được sử dụng vào đúng mục đích”.
Cần một chiến lược phát triển ngành tôm
Một trong những nhiệm vụ trong tâm của ngành thủy sản để phát triển con tôm theo đúng tiềm năng và kỳ vọng là hoàn thiện các cơ chế chính sách để thu hút doanh nghiệp đầu tư phát triển ngành tôm, ứng dụng công nghệ cao và các ngành dịch vụ hậu cần cho ngành tôm; hoàn thiện cơ sở hạ tầng vùng nuôi; tổ chức lại sản xuất theo chuỗi liên kết và gắn với việc đầy mạnh áp dụng khoa học, công nghệ; xây dựng thương hiệu, phát triển thị trường và đẩy mạnh xúc tiến thương mại; tăng cường công tác chỉ đạo điều hành.
Theo Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Xuân Cường, để phát huy tiềm năng, lợi thế của con tôm thì nhiệm vụ chính là của ngành nông nghiệp và cần sự vào cuộc mạnh mẽ, đồng bộ của cả hệ thống chính trị, các Bộ, ngành liên quan, các hiệp hội, đặc biệt là sự tham gia của người dân và doanh nghiệp. Những yếu tố này đã được nêu rõ trong dự thảo kế hoạch hành động phát triển ngành tôm.
“Dù còn nhiều xung đột về lợi ích giữa doanh nghiệp – người dân nhưng rõ ràng việc liên kết theo chuỗi giá trị là xu hướng tất yếu để đạt mục tiêu xuất khẩu với số lượng và chất lượng cao hơn. Mô hình sản xuất tôm thương phẩm theo chuỗi với qui mô lớn cần được nhân rộng bằng việc tạo các cơ chế, chính sách để giúp người dân có nền tảng để liên kết” – Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nói.
Ngoài những khó khăn về thị trường, vốn, con giống, thức ăn… nội tại ngành thủy sản, trong đó có lĩnh vực sản xuất con tôm đang đối mặt với rất nhiều khó khăn, thách thức. Dễ thấy nhất là vấn đề nguồn nhân lực. Kết quả khảo sát cuối năm 2016 cho thấy cả nước hiện có hơn 5 triệu lao động trong ngành thủy sản, hoạt động kinh tế trên biển và ven biển. Không ít nhà máy chế biến, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam có cơ sở vật chất tương đương với nhà máy tiên tiến nhất thế giới nhưng có hơn 60% số lao động trong các cơ sở này không có chuyên môn. Riêng các cơ sở chế biến thuộc khối dân doanh của các ngành chế biến thủy sản có đến khoảng 80% số lao động không được đào tạo, mà chỉ học các lớp bồi dưỡng ngắn ngày do các cơ sở đào tạo hoặc doanh nghiệp tự tổ chức.
Để có sản phẩm tôm chất lượng cao, hài lòng khách hàng khó tính, ngoài sự nỗ lực của người dân, doanh nghiệp thì không thể thiếu bàn tay điều hành của cơ quan Nhà nước. |
Cùng với đó, lĩnh vực thủy sản chưa thu hút được nguồn vốn FDI (trừ lĩnh vực thức ăn và con giống thủy sản); Chưa xây dựng được chính sách PPP trong phát triển thủy sản đặc biệt là chính sách BOT cho việc phát triển hạ tầng vùng nuôi; Phân bổ đầu tư công cho lĩnh vực thủy sản là quá thấp so với mức độ đóng góp cho GDP nông nghiệp cũng như so với đặc thù và tiềm năng phát triển, lợi thế cạnh tranh của lĩnh vực.
Rõ ràng, lời kêu gọi “cả hệ thống chính trị phải vào cuộc” để phát triển con tôm của Việt Nam đứng số 1 trên thế giới của Bộ trưởng NN-PTNT là hoàn toàn có cơ sở. Ngành sản xuất tôm nói riêng và ngành nông nghiệp nói chung không thể cán đích nếu không đầu tư sản xuất tập trung, sản xuất lớn và phải “đứng một mình”./.
Mục tiêu xuất khẩu tôm 10 tỷ USD: Tổ chức sản xuất lớn, chuyên nghiệp
Mục tiêu xuất khẩu tôm 10 tỷ USD:Hóa giải mâu thuẫn nông dân, doanh nghiệp