phan_van_khai_gpct.jpg
Nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải đã từ trần hôm nay (17/3/2018) tại quê nhà Củ Chi, TP.HCM. Ông là một trong những nhà lãnh đạo cấp cao của Đảng và Nhà nước ở chặng đường đầu của công cuộc Đổi mới - Phát triển đất nước. (Ảnh: KT)
Nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải được xem là người dẫn dắt kinh tế Việt Nam qua khủng hoảng, đạt tăng trưởng GDP trung bình 7% trong gần 9 năm lãnh đạo. Ông đã chỉ đạo, phê duyệt thực hiện nhiều dự án kinh tế trọng điểm, góp phần thúc đẩy kinh tế đất nước đi lên.
(Ảnh: VnExpress)
Cầu Vĩnh Tuy (Hà Nội) là một trong những dự án kinh tế trọng điểm dưới thời nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải.
Công trình cầu Vĩnh Tuy nằm trên đường vành đai 2, nối với Quốc lộ 5, là mạng lưới giao thông quan trọng của thành phố Hà Nội. Cầu được khởi công xây dựng vào tháng 2/2005 và chính thức thông xe vào tháng 9/2009.
Công trình cầu Vĩnh Tuy là một dự án lớn, có kết cấu bê tông hiện đại; tổng mức đầu tư trên 3.500 tỷ đồng, trong đó giá trị xây lắp khoảng 1.700 tỷ đồng; toàn tuyến dài 5.830m; cầu qua sông dài 3.690m.
Đây là cây cầu hiện đại vào bậc nhất Việt Nam lúc đó với nhiều kỷ lục, như kết cấu chuỗi nhịp chính vượt sông lớn nhất là tám nhịp liên tục, đúc hẫng dài 990m, chiều dài cầu chính và cầu dẫn bằng bê-tông và bê-tông cốt thép dự ứng lực dài nhất (3,7km)...
Dự án mang dấu ấn của nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải là công trình Cầu Thuận Phước (Đà Nẵng).
Cầu Thuận Phước nối liền cảng Tiên Sa và đường Nguyễn Tất Thành đến hầm Hải Vân nằm ở cửa biển Đà Nẵng. Cầu được khởi công năm 2003, khánh thành đưa vào sử dụng năm 2009. Đây là cầu có chiều dài 1.856m và là cầu treo dây võng dài nhất Việt Nam đến thời điểm hiện tại.
Cầu được xây dựng với kinh phí hơn 1.000 tỉ đồng, và có mục tiêu lưu thông hàng hóa từ cảng Tiên Sa đi các tỉnh phía Bắc, giảm áp lực giao thông qua cầu sông Hàn, phục vụ phát triển kinh tế-xã hội- an ninh quốc phòng,... (Ảnh: KT)
Công trình tiếp theo gắn liền với công lao của nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải đó là Cầu Cần Thơ (Cần Thơ). (Ảnh: KT)
Cầu Cần Thơ là cây cầu dây văng có nhịp chính dài nhất khu vực Đông Nam Á và thứ 7 thế giới, được khởi công vào tháng 9/2004 với tổng mức đầu tư gần 5.000 tỷ đồng từ nguồn viện trợ phát triển chính thức ODA của Chính phủ Nhật Bản và vốn đối ứng của Chính phủ Việt Nam.
Cầu Cần Thơ đi vào hoạt động đã nối thông phần còn lại của vựa lúa đồng bằng sông Cửu Long với cả nước, tạo động lực mới cho sự nghiệp phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của toàn vùng nói riêng và cả khu vực miền Nam nói chung. (Ảnh: Soha).