Thâm hụt thương mại cao kỷ lục

Báo cáo mới đây của Bộ Thương mại Mỹ cho thấy, thâm hụt thương mại của nước này trong năm 2022 đã tăng lên mức cao kỷ lục. Cụ thể, tổng thâm hụt thương mại của Mỹ đã tăng 12,2% trong năm ngoái (tương đương gần 1.000 tỷ USD) khi người Mỹ mua số lượng lớn máy móc, thuốc men, vật tư công nghiệp, phụ tùng ô tô,... từ nước ngoài.

Tính theo năm, thâm hụt thương mại hàng hóa và dịch vụ năm 2022 của Mỹ tăng lên mức cao kỷ lục 948,1 tỷ USD (tương đương 3,7% GDP), cao hơn mức 845 tỷ USD (3,6% GDP) năm 2021. Theo Bộ Thương mại Mỹ, năm 2022, mặc dù xuất khẩu của nước này tăng 453,1 tỷ USD lên 3.000 tỷ USD, nhưng nhập khẩu cũng tăng tương ứng 556,1 tỷ USD lên 4.000 tỷ USD.

Dữ liệu cho thấy bằng chứng về việc nền kinh tế số 1 thế giới đang tiếp tục phục hồi sau đại dịch Covid-19, điều này đã làm giảm chi tiêu cho các dịch vụ như du lịch và giải trí, đồng thời thúc đẩy mua hàng hóa nhập khẩu.

Thâm hụt thương mại hàng hóa của Mỹ với Mexico, Canada, Ấn Độ, Việt Nam, Hàn Quốc và Đài Loan (Trung Quốc) đều tăng mạnh vào năm ngoái khi các nhà sản xuất tìm kiếm nguồn sản phẩm nước ngoài mới.

Đáng chú ý, thương mại tổng thể của Mỹ với Trung Quốc năm ngoái đã dễ dàng vượt qua các kỷ lục trước đó và thâm hụt thương mại tăng 8,3% hàng năm lên 382,9 tỷ USD, mức cao thứ hai được ghi nhận.

Cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine đã đẩy giá năng lượng và lương thực lên cao trên toàn cầu và gây ra lạm phát, song đó cũng là một trong những yếu tố thúc đẩy thương mại của Mỹ. Sau khi cắt đứt nhiều quan hệ kinh tế với Nga, Liên minh châu Âu (EU) đã chuyển sang mua thêm các sản phẩm năng lượng từ Mỹ.

Tuy nhiên, tổng khối lượng nhập khẩu của Mỹ vẫn lớn hơn nhiều so với xuất khẩu, dẫn đến thâm hụt thương mại. Xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ tăng 17,7% lên 3.000 tỷ USD, trong khi nhập khẩu tăng 16,3% lên 4.000 tỷ USD.

Cùng với đó, sự tăng giá của đồng USD so với các đồng tiền của các đối tác thương mại chính của Mỹ đã khiến hàng hóa do nước này sản xuất trở nên đắt đỏ trên thị trường quốc tế.

Đồng USD đã tăng giá hơn so với các đồng tiền của các đối tác thương mại chính của Mỹ kể từ cuối tháng 12/2021 do Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) tiến hành chu kỳ tăng lãi suất nhanh nhất trong nhiều thập kỷ qua để kiềm chế lạm phát. Chính sách tiền tệ chặt chẽ hơn của các ngân hàng trung ương toàn cầu cũng làm xói mòn nhu cầu ở nước ngoài đối với hàng hóa Mỹ.

Một số nhà kinh tế chỉ ra rằng thâm hụt thương mại có xu hướng gia tăng khi nền kinh tế Mỹ tăng trưởng và người Mỹ có nhiều khả năng mua hàng hóa và dịch vụ từ nước ngoài. Nhưng nhiều người cũng lo lắng rằng thâm hụt thương mại kéo dài có thể dẫn đến giảm việc làm và tăng trưởng kinh tế ở nền kinh tế lớn nhất thế giới. Bên cạnh đó, mức lãi suất cao hơn của FED cũng làm tăng thêm bất ổn kinh tế ở nước ngoài, và tình trạng này có thể ảnh hưởng tiêu cực đến nước Mỹ.

Những điểm nhấn trong chính sách thương mại của Mỹ

Tháng 12 năm 2022 nêu bật mức độ thay đổi của chính sách thương mại của Hoa Kỳ trong những năm gần đây. Chính quyền Tổng thống Joe Biden tiếp tục thực hiện nhiều chính sách của người tiền nhiệm Donald Trump, mặc dù với những luận điệu khác nhau, mà đỉnh điểm là việc bác bỏ quyết định của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) vào tháng 12 năm ngoái chống lại Mỹ.

Phần lớn các cuộc tranh luận giữa Mỹ và các nền kinh tế lớn, trong đó có Trung Quốc, liên quan đến các biện pháp trừng phạt và kiểm soát xuất khẩu, thuế quan. Đặc biệt, thuế thép và nhôm là nguyên nhân chính gây tranh cãi, và là nguồn gốc của các vụ kiện tụng tại WTO.

Nhiều người trong chính quyền Biden cho rằng các hiệp định thương mại tự do truyền thống đã mang lại lợi ích cho các tập đoàn lớn và các giám đốc điều hành của họ với cái giá phải trả là người lao động. Vì thế, chính quyền quyết tâm khắc phục sự bất bình đẳng đó. Thay vì các cuộc đàm phán thương mại truyền thống bao gồm tiếp cận thị trường, giờ đây Mỹ thúc đẩy tái xuất khẩu và đưa công việc sản xuất trở lại nước này.

Đạo luật giảm lạm phát được ban hành gần đây là một ví dụ điển hình trong việc thúc đẩy đưa hoạt động sản xuất trở lại Mỹ trong các lĩnh vực như chất bán dẫn, pin và khoáng sản.

Mỹ hô khẩu hiệu "chính sách thương mại cho người lao động", tập trung vào các quy tắc và tiêu chuẩn tốt hơn về lao động và môi trường cũng như các vấn đề pháp lý khác. Mỹ quan tâm tới khả năng phục hồi chuỗi cung ứng, hợp tác, chia sẻ thông tin, cơ sở hạ tầng, chính sách khử cacbon, thuế và chống tham nhũng.

Ba bộ luật, bao gồm Đạo luật Giảm lạm phát (Inflation Reduction), Đạo luật CHIPS và Khoa học (Chips and Science) cùng với Luật Cơ sở hạ tầng (Infrastructure), được kỳ vọng sẽ giúp Mỹ giảm lạm phát, đồng thời với việc áp đặt giới hạn giá trần đối với dầu mỏ của Nga.

Mỹ cũng gia tăng cấm xuất khẩu công nghệ để có lợi thế cạnh tranh trên toàn cầu. Hồi tháng 10/2022, Mỹ công bố một bộ quy định dài 139 trang với tên gọi "Quy tắc sản phẩm trực tiếp nước ngoài" (Foreign Direct Product Rule - FDPR).

Theo đó, nước này có quyền tài phán với mọi dòng mã hoặc bộ phận máy móc bán dẫn có yếu tố Mỹ, cũng như quyền với hoạt động của tất cả công dân Mỹ, ở mọi nơi trên hành tinh. The Economist nhận định, đây chính là cuộc tấn công bằng "vũ khí kinh tế" mới. Trước đây, Mỹ thường trừng phạt kinh tế bằng cách ngăn mục tiêu tiếp cận USD. Còn với FDPR, đây là một trong những công cụ quan trọng nhất trong kho vũ khí kinh tế của Mỹ để cạnh tranh với nền kinh tế số 2 thế giới là Trung Quốc.

Mỹ hạn chế xuất khẩu các sản phẩm sử dụng công nghệ Mỹ từ bất kỳ nơi nào trên thế giới sang Trung Quốc, nếu chúng được sử dụng cho mục đích quân sự hoặc chế tạo vệ tinh.

Tiếp sau FDPR, Washington đang hướng tới các mục tiêu khác, đó có thể là ngành công nghiệp sinh học của Trung Quốc - nơi sản xuất thuốc và các thành phần thuốc. Hoặc là việc sản xuất các loại pin tiên tiến, đặc biệt là pin cho xe điện./.