UBND tỉnh Quảng Ninh vừa tổ chức Hội nghị đối thoại với các tổ chức đơn vị, cơ sở và hộ sản xuất tham gia chương trình mỗi xã phường một sản phẩm (OCOP). Tại Hội nghị đã có 66 kiến nghị được giải đáp bằng văn bản và 24 kiến nghị được giải đáp trực tiếp.
Ông Đặng Huy Hậu, Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Quảng Ninh yêu cầu các sở, ngành, địa phương tạo điều kiện tối đa cho các hộ kinh doanh, HTX, doanh nghiệp sản xuất nông nghiệp |
Sau 3 năm thực hiện chương trình mỗi xã, phường một sản phẩm OCOP, Quảng Ninh đã có 198 sản phẩm, nhóm sản phẩm có chất lượng, đạt tiêu chuẩn mẫu mã, bao bì phong phú được thị trường trong và ngoài tỉnh đón nhận tích cực. Ngoài các sản phẩm hàng hóa, các sản phẩm dịch vụ được hình thành từng bước như Du lịch làng quê Yên Đức, Đông Triều, Lễ hội Hoa Sở Bình Liêu... Hiện có 180 tổ chức kinh tế, cơ sở hộ sản xuất tham gia chương trình OCOP, trong đó có 86 tổ chức kinh tế, cơ sở, hộ sản xuất tham gia với tổng vốn đăng ký là 117 tỷ đồng, thu hút được hơn 2000 lao động.
Tại Hội nghị, nhiều vấn đề các đại biểu kiến nghị đã được lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh giải đáp. Trong đó các đại biểu tập trung vào một số nội dung như: cơ chế, chính sách hỗ trợ sản xuất sau nhiều năm áp dụng nay đã xuất hiện nhiều bất cập, vốn vay tín dụng, kết nối giữ các cửa hàng giới thiệu sản phẩm tạo điều kiện hỗ trợ lẫn nhau, xây dựng thương hiệu...
Anh Phạm Văn Trường, Hội viên hội Nông nghiệp huyện Hoành Bồ kiến nghị trước đây gia đình anh có 6,5 ha rừng. Hơn 5 năm nay, gia đình đã cải tạo đất để trồng cam đường canh có giá trị cao. Tuy nhiên khi gia đình đề nghị cấp chứng nhận kinh tế gia trại để làm căn cứ vay vốn ngân hàng thì được yêu cầu phải chuyển đổi mục đích sử dụng đất trước.
Ông Phạm Văn Thành, chủ nhiệm CLB Nông trang Dực Yên kiến nghị, hiện nay mỗi HTX chỉ được vay tín chấp ngân hàng tối đa là 1 tỷ đồng và ngân hàng chỉ chấp nhận nhà xường là tài sản tín chấp còn cây cối, vật nuôi, đất canh tác thì không được tính. Việc nay đang gây khó khăn cho các HTX.
Tại Hội nghị ông Phạm Ngọc Thạch, Giám đốc Ngân chi nhánh hàng nhà nước Việt Nam tại Quảng Ninh đã giải đáp thắc mắc và hướng dẫn các hộ sản xuất cách tiếp cận để vay vốn ngân hàng.
Các đại biểu nêu ý kiến tại Hội nghị |
Kết luận Hội nghị ông Đặng Huy Hậu, Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Quảng Ninh khẳng định, Chương trình đã khai thác được thế mạnh của các địa phương, hỗ trợ phát triển sản xuất trong dân thành sản phẩm hàng hóa phục vụ thị trường, nâng cao đời sống, hàng hóa từng bước được thị trường chấp nhận. Tuy nhiên, sau 3 năm triển khai, bên cạnh những kết quả tích cực vẫn còn không ít những tồn tại như: sản xuất hàng hóa còn manh mún, chất lượng sản phẩm chưa đảm bảo… Để đẩy mạnh sản xuất hàng hóa tập trung, thời gian qua, tỉnh đã đẩy mạnh hỗ trợ ngành nông nghiệp, bên cạnh việc ban hành chính sách hỗ trợ, tỉnh còn thường xuyên theo dõi và kịp thời tháo gỡ khó khăn cho các đơn vị, doanh nghiệp tham gia chương trình.