Chú thích ảnh |
Vụ Công nghiệp nặng (Bộ Công Thương) cho biết đang tiến hành lựa chọn đơn vị tư vấn có đủ năng lực và kinh nghiệm để thực hiện công việc thẩm định giá đối với dự án đầu tư mở rộng giai đoạn 2 và của Công ty Cổ phần Gang thép Thái Nguyên.Theo đó, để có cơ sở báo cáo Thủ tướng Chính phủ, đề xuất phương án xử lý đối với Dự án đầu tư mở rộng giai đoạn 2 và phương án xử lý đối với Thép Thái Nguyên, Bộ Công Thương cho biết đang tiến hành lựa chọn đơn vị tư vấn có đủ năng lực và kinh nghiệm để thực hiện công việc thẩm định giá đối với dự án và của Thép Thái Nguyên. Việc nhận hồ sơ của các doanh nghiệp thẩm định giá và tư vấn tài chính đến hết ngày 14/12 năm nay. Bộ Công Thương cho biết, dự án đầu tư mở rộng sản xuất giai đoạn 2 của Thép Thái Nguyên được phê duyệt từ năm 2005 với tổng mức đầu tư là 3.843 tỷ đồng. Cơ cấu nguồn vốn, 45% là của Ngân hàng Phát triển Việt Nam (VDB), Vietinbank (45%) và vốn tự có của chủ đầu tư (10%). Do sự biến động giá cả thị trường và các cơ chế chính sách của Nhà nước, quý 1/2012, chủ đầu tư đã rà soát lại mức đầu tư của dự án, sau đó được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận nâng lên 8.104 tỷ đồng và được Hội đồng Quản trị của Thép Thái Nguyên phê duyệt điều chỉnh vào tháng 4/2013.Dự án gồm 2 gói thầu chính là EPC số 01 chuyên về dây chuyền công nghệ luyện kim khu vực Lưu Xá công suất 500.000 tấn phôi thép/năm và Gói thầu EPC số 02 - khai thác và tuyển khoáng mỏ sắt Tiến Bộ với công suất 300.000 tấn quặng tinh/năm. Tháng 5/2014, Nhà máy tuyển rửa quặng sắt mỏ Tiến Bộ đã hoàn thành và đưa vào sản xuất. Chỉ còn gói thầu EPC 01 đang dở dang và dừng thi công. Gói thầu EPC số 1 - dây chuyền khu vực Lưu Xá được tổ chức đấu thầu rộng rãi quốc tế, nhà thầu trúng thầu là Tập đoàn Luyện kim Trung Quốc (MCC) với giá trúng thầu là 160,8 triệu USD, ký hợp đồng ngày 12/7/2007 theo hình thức EPC và được khởi công xây dựng vào ngày 29/9/2007 và dừng thi công từ tháng 12/2012 đến nay.Chủ đầu tư của dự án là Thép Thái Nguyên, thành lập năm 1959, là khu công nghiệp đầu tiên tại Việt Nam có dây chuyền sản xuất liên hợp khép kín từ khai thác quặng sắt đến luyện gang, luyện thép và cán thép. Dự án mở rộng Nhà máy Gang thép Thái Nguyên giai đoạn 2 quy mô đầu tư lên tới 8.104 tỷ đồng sau gần chục năm triển khai hiện đắp chiếu, nhà thầu Trung Quốc bỏ về nước. Hiện các chi phí hao mòn, duy trì, bảo dưỡng lên tới vài trăm tỷ đồng. Trước đó, Thép Thái Nguyên đã mời hãng luật Vinalegal tham gia tư vấn pháp lý trong quá trình đàm phán với MCC và phối hợp với Tư vấn thiết kế luyện kim của Tổng công ty Thép lập phương án và dự toán chi phí bảo dưỡng, sửa chữa vật tư thiết bị hoen gỉ, lão hoá, hư hỏng do 4 năm tạm ngừng hoạt động.Giữa năm 2016, Bộ Công Thương có văn bản gửi Chính phủ đề nghị ưu đãi về xuất lãi suất khoản vay, giảm thuế nhập khẩu 20%…nếu không dự án có nguy cơ đổ vỡ. Tuy nhiên, Bộ Tài chính đã có phản đối việc thêm ưu đãi cho dự án này với lý do đảm bảo an toàn nợ công./.