Báo cáo kinh tế - xã hội 9 tháng năm 2018 vừa được Tổng cục Thống kê công bố cho thấy, tình hình đăng ký doanh nghiệp không mấy khả quan. Trong khi lượng doanh nghiệp mới gia nhập thị trường tăng thấp, số gặp khó khăn và rời bỏ thị trường lại tăng rất cao.
Cụ thể, trong 9 tháng năm 2018, cả nước có 96.611 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với tổng vốn đăng ký là 963.400 tỷ đồng, chỉ tăng 2,8% về số doanh nghiệp và tăng 6,7% về số vốn đăng ký so với cùng kỳ năm 2017.
Trung bình mỗi ngày có 270 doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động (Ảnh minh họa: KT) |
Bên cạnh đó, có 22.897 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, cũng chỉ tăng 8,5% so với cùng kỳ năm trước. Tổng số lao động đăng ký của các doanh nghiệp thành lập mới 9 tháng năm 2018 thậm chí chỉ đạt 819.700 người, giảm 7,5% so với cùng kỳ năm trước.
Trong khi đó, số doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động trong 9 tháng năm 2018 là 73.103 doanh nghiệp, tăng hơn 48% so với cùng kỳ năm trước. Như vậy, tính trung bình, mỗi ngày có 270 doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động.
Đồng thời, số doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể trong 9 tháng năm 2018 là 11.536 doanh nghiệp, tăng hơn 32% so với cùng kỳ năm trước.
Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Bích Lâm, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê, tỷ lệ doanh nghiệp mới thành lập/doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động và giải thể ở Việt Nam vẫn không phải là cao.
“Chúng tôi có so sánh số liệu về doanh nghiệp trong năm 2016 ở một số nước, như: Anh Quốc, trong 100 doanh nghiệp mới thành lập có tới trên 67% là giải thể, hay tại Newzealand trong 100 doanh nghiệp mới thành lập có đến hơn 80% doanh nghiệp giải thể. Nhưng ở Việt Nam, năm 2016, có tới 110.000 doanh nghiệp mới thành lập nhưng theo thống kê đến 20/9/2017, trên 85% doanh nghiệp mới thành lập ấy vẫn đang hoạt động, chứng tỏ tỷ lệ doanh nghiệp ngừng hoặc giải thể của Việt Nam rất thấp”, ông Nguyễn Bích Lâm nhận định.
Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê cho rằng, việc doanh nghiệp thành lập rồi giải thể là điều đương nhiên trong nền kinh tế. Chỉ có điều, hiện doanh nghiệp của Việt Nam quy mô còn nhỏ. Qua theo dõi số liệu thành lập doanh nghiệp, thời gian qua, phần lớn doanh nghiệp thành lập mới thuộc lĩnh vực thương mại, dịch vụ (chiếm khoảng 34%). Đây là khu vực doanh nghiệp quy mô nhỏ, số lượng lao động ít.
“Chính phủ và các bộ ngành cần nghiên cứu để cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh hơn nữa, đồng thời, có các giải pháp để các hộ kinh doanh cá thể chuyển đổi thành doanh nghiệp. Hiện thể chế của Việt Nam cũng có nhiều cản trở sự phát triển của doanh nghiệp khiến vẫn còn tình trạng doanh nghiệp Việt Nam không thể lớn và doanh nghiệp Việt Nam cũng không muốn lớn”, ông Nguyễn Bích Lâm nêu ý kiến./.
Doanh nghiệp Việt tăng nhanh số lượng nhưng quy mô nhỏ đi
60% doanh nghiệp nhỏ và vừa chưa tiếp cận được vốn vay