Nhu cầu cho đầu tư phát triển lĩnh vực cung cấp nước sạch và vệ sinh môi trường là rất lớn. Đến năm 2020 nhu cầu vốn khoảng gần 200.000 tỷ VND, tương đương với 9 tỷ USD (mỗi năm khoảng 1,2-1,3 tỷ USD).

nuoc%20sach%20nong%20thon.jpg

“Trong xu thế huy động nguồn vốn từ ODA sẽ khó khăn và giảm dần, ngân sách Nhà nước còn hạn hẹp thì việc tăng cường huy động các nguồn vốn từ tư nhân để đầu tư vào lĩnh vực này là hết sức quan trọng” - Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp-Phát triển nông thôn Hoàng Văn Thắng cho biết tại Diễn đàn Đối tác Phát triển 2013 diễn ra mới đây tại Hà Nội.

Cũng theo ông Thắng, chủ trương xã hội hóa đầu tư, khuyến khích tư nhân tham gia đầu tư hạ tầng ngành cấp nước, vệ sinh môi trường đô thị được thể chế hóa trong các định hướng, chiến lược, qui hoạch cũng như qui định pháp luật của Chính phủ. Tuy nhiên, khu vực kinh tế tư nhân trong thời gian qua tham gia lĩnh vực này chưa thật mặn mà, thể hiện ở số lượng dự án chưa nhiều (có 14 dự án triển khai theo hình thức PPP, 13 dự án khác đang trong quá trình nghiên cứu) và tập trung ở 2 thành phố lớn là Hà Nội và TP HCM.

Mục tiêu quốc gia đặt ra đến năm 2020, tất cả dân cư nông thôn sử dụng nước sạch đạt tiêu chuẩn chất lượng quốc gia với số lượng tối thiểu 60 lít nước/ngày và sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh và thực hiện tốt vệ sinh cá nhân, giữ sạch vệ sinh, môi trường làng xã.

Vị đại diện Bộ Nông nghiệp- Phát triển nông thôn đã đưa ra một số mô hình tốt về tư nhân tham gia cung cấp nước sạch nông thôn ở một số tỉnh như Đồng Tháp, Tiền Giang, Long An, Hà Nam, Bắc Ninh, Hưng Yên và Hải Dương. Ước tinh trên cả nước hiện có khoảng 500 hệ thống cấp nước nông thôn do khu vực tư nhân đầu tư, cấp nước cho hơn 500.000 người dân. Số lượng, qui mô và vốn đầu tư các dự án của khu vực tư nhân ngày lớn như tỉnh Hà Nam đã có 11 doanh nghiệp tư nhân tham gia đầu tư cấp nước cho 18 xã với số lượng khoảng 150.000 dân. Các dự án do các doanh nghiệp tư nhân thực hiện đều đạt chất lượng tốt do quản lý chặt chẽ, vật liệu, thiết bị đưa vào công trình đều được lựa chọn kỹ, vì chất lượng công trình gắn với lợi ích của DN.

Nhưng tư nhân vẫn ngại tham gia…

Theo đại diện Bộ Nông nghiệp- Phát triển nông thôn, mặc dù Chính phủ đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách khuyến khích, ưu đãi tốt cho khu vực tư nhân tham gia đầu tư xây dựng và quản lý cấp nước sạch và vệ sinh nông thôn để đẩy mạnh xã hội hóa, nhưng các kết quả đạt được còn nhiều hạn chế. Tuy đã có một số mô hình đã được nhắc tới nhưng mới chỉ dừng lại ở mức độ sáng kiến, mô hình đơn lẻ ở cấp địa phương mà chưa được nhân rộng ra toàn quốc.

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp-Phát triển nông thôn Hoàng Văn Thắng cho rằng, khó khăn lớn nhất hiện nay là hệ thống cơ chế, chính sách còn nhiều bất cập, chồng chéo, mâu thuẫn giữa các lĩnh vực quản lý nên khó thực hiện. Tư duy và nhận thức của một số cán bộ lãnh đạo quản lý ở địa phương chưa theo kịp xu hướng đổi mới chung của đất nước, năng lực quản lý, điều hành còn hạn chế đã làm giảm hiệu lực và hiệu quả các chính sách của Chính phủ. Thủ tục hành chính rườm rà, nhiều cấp trung gian, thông tin thiếu minh bạch nên chưa tạo ra môi trường thuận lợi cho khu vực tư nhân tham gia rộng rãi.

Tiếp đến là những bất cập trong khung pháp lý về đầu tư theo hình thức PPP. Các qui định hiện nya đang ở giai đoạn thí điểm trong một số lĩnh vực, mà chưa trở thành căn cứ pháp lý vững chắc để khu vực tư nhân yên tâm tham gia đầu tư. Các chính sách khuyến khích ưu đãi của chính phủ (ưu đãi sử dụng đất, tín dụng ưu đãi, vay lãi suất thấp, miễn giảm thuế, hỗ trợ vốn đầu tư, bù giá nước…) đối với lĩnh vực cấp nước sạch và vệ minh môi trường nông thôn có khá nhiều nhưng khu vực tư nhân khó tiếp cận.

Về vấn đề này, ông Takehiko Nakao – Chủ tịch ADB Việt Nam cho rằng, Việt Nam cần có chính sách khuyến khích các DN tư nhân tham gia vào lĩnh vực cấp nước sạch cho khu vực nông thôn. Đồng thời với đó, cần có chính sách hỗ trợ về giá để khuyến khích người dân nông thôn sử dụng nước sạch.

Khẳng định sự hiệu quả khi để khu vực tư nhân tham gia vào các dịch vụ xã hội, Giám đốc quốc gia Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam, bà Victoria Kwawa cho rằng, ngoài việc bổ sung cho nguồn lực công còn hạn chế, sự tham gia của khu vực tư nhân cũng mang lại các lợi ích dễ thấy khác như khả năng cung cấp dịch vụ cho các cộng đồng nghèo, khả năng cung ứng bền vững, tăng cường mức độ tin cậy dịch vụ và tăng cường hiệu quả.

Thời gian tới, theo Thứ trưởng Hoàng Văn Thắng, để đảm bảo người nghèo được tiếp cận nước sạch, cần có chính sách giá nước và cơ chế hỗ trợ, trợ cấp hợp lý để đảm bảo các hộ nghèo được tiếp cận sử dụng nước sạch, các đơn vị cấp nước có động lực cấp nước cho các hộ nghèo (ví dụ như cách tiếp cận hỗ trợ dựa vào kết quả đầu ra); Áp dụng các hình thức thanh toán linh hoạt để giảm khó khăn cho hộ nghèo khi đối nối đường ống như phương thức trả góp, cho vay tín dụng ưu đãi…/.