Đây là nhận định được Thứ trưởng Ngoại giao Đặng Minh Khôi tại một hội nghị tổ chức cuối tuần về Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”. Theo ông Đặng Minh Khôi, không chỉ chinh phục được người Việt Nam, hàng Việt Nam đã vươn ra thế giới và nhận được sự ủng hộ của người tiêu dùng tại nhiều quốc gia khác.

dang_minh_khoi_vov_ymqu.jpg
Thứ trưởng Ngoại giao Đặng Minh Khôi.

Kiều bào giúp lan tỏa giá trị hàng hóa Việt

Thứ trưởngĐặng Minh Khôi cho biết, hiện có hơn 4 triệu người Việt Nam ở nước ngoài. Trong đó, cộng đồng người Việt ở Trung và Đông Âu, ở Liên Xô cũ rất đông đảo. Đây là một kênh rất tốt để Việt Nam tuyên truyền, quảng bá hàng Việt Nam ngay trong chính những cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài.

“Nếu chúng ta ra nước ngoài, đi các khu chợ người Việt Nam sẽ thấy người Việt Nam ở nước ngoài đang quảng bá rất nhiều cho hàng hóa Việt Nam. Điều này gắn chặt với thói quen tiêu dùng của người Việt Nam. Dù là thế hệ thứ 2, thứ 3 ra nước ngoài nhưng văn hóa ẩm thực dân tộc vẫn ngấm sâu trong máu thịt”, ông Đặng Minh Khôi chia sẻ.

Cũng theo ông Đặng Minh Khôi, Bộ Ngoại giao rất chú trọng việc quảng bá ảnh hưởng của Việt Nam ra nước ngoài. Bộ Ngoại giao đã hợp tác chặt chẽ với Bộ Công thương và Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đưa chương trình quảng bá các sản phẩm Việt Nam vào nội dung hoạt động của các đoàn cấp cao ra nước ngoài.

Năm 2019, đã có hơn 20 đoàn cấp cao Việt Nam ra nước ngoài. Trong tất cả các chuyến công du này, Việt Nam đều tổ chức các hoạt động xúc tiến thương mại và quảng bá sản phẩm. Ông Đặng Minh Khôi khẳng định, kết quả từ những hoạt động này là hết sức tích cực.

Tuy nhiên, trong giai đoạn đầu năm 2020, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nhiều hoạt động xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm buộc phải dời lịch tổ chức vào cuối năm và số lượng hoạt động có xu hướng giảm bớt.

Chính vì thế, ông Đặng Minh Khôi khuyến nghị, chúng ta cần phải tận dụng tốt hơn các hội chợ ở nước ngoài và đặc biệt quan tâm đến việc kết nối với các doanh nghiệp Việt Nam ở nước ngoài có tiềm năng và mối liên kết sâu rộng.

“Nếu công tác tổ chức của chúng ta có tính định hướng và tập trung tốt để doanh nghiệp Việt Nam ở nước ngoài có thể tham gia tích cực, họ sẽ giới thiệu cho chúng ta nhiều đối tác và giúp chúng ta quảng bá rất tốt các sản phẩm ở nước ngoài”, ông Đặng Minh Khôi giải thích.

Đại sứ Nguyễn Quốc Cường (hàng thứ nhất, thứ ba từ trái qua) trong lần đi quảng bá xoài tại siêu thị Aeon Nhật Bản. Ảnh: Trang cá nhân Đại sứ Nguyễn Quốc Cường.

Mỗi Đại sứ là một nhà quảng bá

Cá nhân ông Đặng Minh Khôi khi làm Đại sứ ở Trung Quốc cũng đã liên tục quảng bá sản phẩm Việt Nam trong tất cả các sự kiện ngoại giao và thương mại. Điều này đòi hỏi nỗ lực rất lớn của các doanh nghiệp trực tiếp tham gia quảng bá sản phẩm tới các địa phương tại Trung Quốc và tới lãnh đạo Trung Quốc khi họ đến thăm các gian hàng của Việt Nam.

Thứ trưởng Đặng Minh Khôi cũng chia sẻ kinh nghiệm đưa sản phẩm sữa Việt Nam vào thị trường Trung Quốc với dân số lên tới 1,4 tỷ người. Theo ông Đặng Minh Khôi, khách du lịch Trung Quốc sang Việt Nam rất thích sản phẩm sữa Việt Nam và chính họ đã trở thành những người tích cực quảng bá sản phẩm giúp Việt Nam. Chính vì thế, khi các Bộ, ngành Việt Nam chính thức đặt vấn đề thì Hiệp hội người tiêu dùng Trung Quốc đã rất ủng hộ.

Ông Đặng Minh Khôi khẳng định, Bộ Ngoại giao cũng đã tích cực triển khai quảng bá các sản phẩm của Việt Nam. Các Đại sứ Việt Nam ở nước ngoài đều được chỉ đạo, tất cả các hoạt động như chiêu đãi, mừng Quốc khánh, những ngày lễ lớn hoặc các hoạt động của các địa phương đều phải kết hợp hoặc tạo điều kiện để doanh nghiệp Việt Nam có cơ hội quảng bá sản phẩm.

Trong cuộc họp gần đây do Thủ tướng chủ trì, nhiều Đại sứ đã được nhắc tên kèm với các sản phẩm đặc trưng mà họ quảng bá như “Đại sứ xoài” Quốc Cường (Đại sứ Việt Nam tại Nhật Bản), Điều này cho thấy kết quả tích cực từ các hoạt động quảng bá của các Đại sứ.

Ngoài ra, Bộ Ngoại giao cũng đang tiến tới cải cách quà tặng lễ tân, theo hướng để các Đại sứ ở nước ngoài hoặc các đoàn cấp cao công du nước ngoài đẩy mạnh sử dụng hàng hóa Việt Nam như cà phê, gạo… làm quà tặng lễ tân. Bộ Ngoại giao sẽ hợp tác với các doanh nghiệp để lựa chọn những sản phẩm tốt nhất để quảng bá. Món quà không cần quá lớn, có khi chỉ là vài kg gạo thôi.

Kinh nghiệm từ Thái Lan, Singapore và Lào cho thấy, Việt Nam cần biến các sản phẩm chất lượng cao trở thành sản phẩm đối ngoại chính thức. Hiện nay các Đại sứ Việt Nam ở nước ngoài đều sử dụng các sản phẩm của Việt Nam trong các hoạt động đối ngoại.

Ngành logistics vẫn chưa được quan tâm đúng mức.

Thương mại điện tử- chìa khóa cho hàng Việt ra thế giới

Thứ trưởng Đặng Minh Khôi nhấn mạnh, trong thời đại 4.0, điều quan trọng nhất để quảng bá sản phẩm Việt Nam ra nước ngoài là qua kênh thương mại điện tử và thanh toán điện tử qua biên giới.

Nếu trong thời gian tới, Chính phủ Việt Nam có thể làm tốt và đẩy mạnh được thanh toán điện tử qua biên giới, chắc chắn cơ hội để sản phẩm của chúng ta ra nước ngoài sẽ tốt hơn rất nhiều. Đây cũng là một kênh quảng bá rất tốt khi người nước ngoài có thể truy cập các trang thương mại điện tử và lựa chọn các sản phẩm, hàng hóa của Việt Nam.

Dù vậy, ông Đặng Minh Khôi chia sẻ, thương mại điện tử tại Việt Nam vẫn gặp nhiều hạn chế do quá trình vận chuyển hàng hóa vẫn còn mất nhiều thời gian dẫn tới chất lượng hàng hóa khó bảo đảm.

Để giải quyết vấn đề này, Thứ Trưởng Đặng Minh Khôi cho biết, trong thời gian tới, Việt Nam sẽ xây dựng các trung tâm logistics, trước mắt có thể là ở những nước chung biên giới với Việt Nam. Sau đó tiến tới các nước Trung, Đông Âu, Liên Xô cũ, nơi có đông đảo các doanh nghiệp Việt Nam./.