Sáng nay (7/5), đoàn công tác của Bộ Nông nghiệp và PTNT đã làm việc tại tỉnh Sơn La, dự hội nghị sơ kết về công tác bảo vệ thực vật, trồng trọt và mở cửa thị trường xuất khẩu đối với sản phẩm nông sản Sơn La, đồng thời thăm mô hình kết nối tiêu thụ nông sản trong nước hướng đến xuất khẩu.
Đến nay, tổng diện tích cây ăn quả, cây rau, cây công nghiệp lâu năm trên địa bàn tỉnh Sơn La đạt khoảng 110.000 ha. Trong đó diện tích cây ăn quả và cây sơn tra là hơn 71.000 ha, cây công nghiệp lâu năm gần 30.000 ha, rau hơn 9.000 ha.
Sản xuất quả theo chuỗi cung ứng an toàn, mã số vùng trồng đến nay tỉnh Sơn La duy trì và phát triển được 73 chuỗi cung ứng quả an toàn với tổng diện tích sản xuất 1.556 ha, sản lượng ước đạt 13.000 tấn/năm, chủ yếu là xoài, nhãn, mận, thanh long, na, chanh leo, dâu tây, bơ… Tham gia chuỗi cung ứng có 78 doanh nghiệp, hợp tác xã sản xuất cây ăn quả được cấp chứng nhận VietGAP.
Sơn La mở rộng cơ hội tiêu thụ nông sản và xuất khẩu nông sản chủ lực. |
Theo bà Lê Thị Yến, Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Sông Mã, được sự hỗ trợ của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hiện nay diện tích sản xuất theo quy trình Thực hành nông nghiệp Tốt VietGap trong những năm qua không ngừng tăng lên. Qua đó cũng thay đổi tập quán canh tác và nhận thức của người dân về sản xuất nông sản an toàn. Tăng cường thêm cơ hội đầu ra tiêu thụ nông sản, thời gian tới đối với nhãn huyện tiếp tục phát triển theo quy hoạch, xác định tập trung vào sản xuất theo quy trình Vietgap và GlobalGap, đồng thời mở rộng thêm diện tích xoài và các loại cây trồng. Huyện cũng kiến nghị các đơn vị chuyên môn của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp hướng dẫn kỹ thuật về trồng rải vụ, trái vụ đối với một số cây ăn quả và rau màu để gia tăng giá trị.
“Với diện tích cây ăn quả rất lớn hiện nay gần như đã trở thành phong trào của người dân. Bởi so sánh hiệu quả với trồng lúa và trồng ngô thì trồng cây ăn quả cao gấp nhiều lần. Sản phẩm long nhãn hiện đã có thương hiệu tuy nhiên chế biến chưa nhiều, mong muốn Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các doanh nghiệp hỗ trợ để tăng cường chế biến gia tăng giá trị đối với nhãn” - bà Yến đề nghị.
Trong thúc đẩy tiêu thụ nông sản và xuất khẩu, phương châm của tỉnh Sơn La là tăng cường kết nối với các doanh nghiệp đầu tư xây dựng các nhà máy chế biến nông sản gắn với vùng nguyên liệu. Sản phẩm nông sản xuất khẩu chủ yếu hiện nay của tỉnh Sơn La gồm: chanh leo, chuối, chè khô, cà phê nhân, tinh bột sắn sang các thị trường như: Trung Quốc, các nước Liên minh Châu Âu, Nhật Bản, Mỹ, Đức. Trong đó, đáng chú ý là xoài Yên Châu của Sơn La đã có mặt tại thị trường Mỹ, Anh…
Ông Lò Minh Hùng, Phó chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Sơn La cho rằng, sản xuất, liên kết giữa hộ nông dân với doanh nghiệp là hết sức cần thiết, bởi nếu hộ nông dân sản xuất hàng hóa đơn lẻ sẽ khó cạnh tranh, khó tiếp cận thị trường, chỉ thông qua liên kết với doanh nghiệp, nông dân mới có điều kiện tiếp cận với thị trường, tiêu thụ sản phẩm.
“Trên cơ sở những kết quả đạt được thời gian qua, mong muốn Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tiếp tục hỗ trợ mở rộng thêm đối với những ngành hàng nông sản chủ lực khác của tỉnh Sơn La như: chăn nuôi, thủy sản và một số loại cây ăn quả mà tỉnh đang mở rộng diện tích và trồng theo quy trình an toàn” - ông Hùng nói.
Theo Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Quốc Doanh, đáp ứng tốt yêu cầu của thị trường không những của nội địa mà còn xuất khẩu nông sản phải sản xuất phải đảm bảo an toàn. Về lâu dài, đối với mỗi loại nông sản ở các tỉnh miền núi phía Bắc phải có Đề án phát triển riêng, tránh tình trạng dư thừa, phải giải cứu nông sản.
“Đối với cây ăn quả hiện nay Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang chỉ đạo các đơn vị chuyên môn phối hợp với tỉnh Sơn La và các tỉnh miền núi phía Bắc xây dựng Đề án chung toàn vùng. Vì nếu xây dựng riêng lẻ sẽ có sự tập trung nhiều vào 1 loại nông sản khi đó mất cân đối giữa cung và cầu. Đối với từng nhóm nông sản Bộ sẽ có Đề án chung đối với toàn vùng. Để thị trường phát triển bền vững thì phải liên kết chặt chẽ với doanh nghiệp và sự tham gia của địa phương để tạo ra chuỗi sản xuất theo quy trình, tiêu chuẩn chất lượng và hệ thống phân phối của doanh nghiệp, khi đó thị trường mới phát triển bền vững” - Thứ trưởng Lê Quốc Doanh nêu rõ./.