Trồng bưởi da xanh hữu cơ theo hướng liên kết để phục vụ nhu cầu xuất khẩu sang các thị trường khó tính, đó là mô hình sản xuất tiêu biểu của nông dân Phạm Văn Đông tại ấp An Phú, xã An Khánh, huyện Châu Thành, tỉnh Bến Tre. Vườn bưởi da xanh của người nông dân này áp dụng tốt các tiến bộ kỹ thuật, đạt năng suất và chất lượng cao được thị trường ưa chuộng.
Từ năm 2002, ông Phạm Văn Đông bắt đầu cải tạo 1 ha đất vườn để trồng cây bưởi da xanh theo tiêu chuẩn VietGAP. Theo nông dân này, chỉ có sản phẩm an toàn, sản phẩm sạch mới có sức cạnh tranh được thị trường, nhất là đưa đi xuất khẩu sang các thị trường khó tính. Từ đó, ông rút tỉa kinh nghiệm trong sản xuất, học hỏi kỹ thuật, nghiên cứu các tiến bộ kỹ thuật áp dụng vào vườn bưởi.
Đặc biệt trong canh tác vườn bưởi, nông dân Phạm Văn Đông áp dụng kỹ thuật bón phân, phun thuốc hợp lý không để tồn dư lượng trong cây, nhất là ưu tiên bón phân hữu cơ, phun xịt thuốc vi sinh thay dần thuốc hóa học. Để cho cây tươi tốt, giảm chi phí ông còn đến các chợ thu gom phế phẩm thủy sản về ủ sau đó tưới vào gốc cây. Phân cá làm cho cây luôn xanh tươi, cho trái quanh năm và đạt năng suất cao.
Ngoài ra, trong khu vườn bưởi ông thiết kế nhiều mương dẫn nước, thường xuyên lấy nước ngọt vào để có lượng phù sa; lắp đặt hệ thống vòi tưới nước tự động để giảm công lao động. Ông Đông còn chú trọng việc lôi kéo kiến vàng cũng như các loài chim chóc vào vườn để làm thiên địch loại trừ sâu bọ.
Đặc biệt gần đây, ông Phạm Văn Đông còn nghiên cứu ghép gốc chanh Vocal vào các cây bưởi bị bệnh như thối rễ, vàng lá... rất thành công. Phương pháp này đã cứu vãn các cây bưởi bệnh tưởng chừng phải đốn bỏ và cho năng suất cao, kéo dài tuổi thọ, thích ứng với hạn mặn. Hiện nay, khu vườn bưởi xa danh hữu cơ của ông đã có khoảng 30% cây bưởi được ghép bằng gốc chanh Volca.
“Mô hình trồng bưởi theo tiêu chuẩn VietGAP cần làm từ từ, qua thực hành sẽ có thêm kinh nghiệm nhưng phải làm theo tiêu chuẩn như phun thuốc phải đúng kỹ thuật, xịt thuốc phải có thời gian cách ly để bưởi sạch chất hóa học. Bón phân mỗi tháng 1 lần, mỗi lần 1 ít. Khi bưởi có dấu hiệu bị bệnh, không trồng lại được phải thay thế bằng gốc chanh Volca, nếu cứ thay bằng cây bưởi vẫn nhiễm bệnh như thường. Gốc Vocal khi thay thế vào có ưu điểm là chịu hạn mặn, chống được các bệnh vàng lá, thối rễ, xì mủ và tuổi thọ càng cao hơn”, ông Đông chia sẻ kỹ thuật chăm sóc vườn bưởi.
Hiện nay, vườn bưởi da xanh của ông Phạm Văn Đông được giới chuyên môn đánh giá rất cao, nhất là kỹ thuật sản suất ra sản phẩm an toàn. Trung bình mỗi tháng khu vườn này cho năng suất hơn 1 tấn trái, được HTX Bưởi da xanh Bến Tre bao tiêu để đưa đi xuất khẩu. Ở thời điểm này, trái bưởi da xanh hữu cơ của ông Đông bán tại vườn dạng xô (gồm cả trái nhỏ và to) giá 23.000 đồng/kg, có thời điểm giá cao đến hơn 30.000 đồng/kg.
Ông Võ Thanh Nhàn, tổ trưởng tổ hợp tác của HTX Bưởi da xanh Bến Tre cho biết, mô hình trồng bưởi da xanh của ông Văn Đông rất tiêu biểu, khác biệt với các nhà vườn khác, cho hiệu quả rất cao đang được các thành viên HTX Bưởi da xanh tham quan, học hỏi.
“Mô hình bưởi da xanh của anh Đông mang lại hiệu quả nên cần được nhân rộng, chia sẻ kinh nghiệm cho mọi người học hỏi, nhất là trồng thay thế chanh Volca cho gốc bưởi bị bệnh chưa ai làm được”, ông Nhàn cho biết.
Sản xuất sạch, hữu cơ là hướng đi tất yếu của nền nông nghiệp hiện đại. Mô hình trồng bưởi da xanh và những sáng kiến trong canh tác của ông Phạm Văn Đông, ở xã An Khánh, huyện Châu Thành, tỉnh Bến Tre đã thành công, cần được phát huy và nhân rộng, để có nhiều trái bưởi chất lượng cao phục vụ nhu cầu tiêu dùng trong nước và xuất khẩu./.