Sau thời gian phát triển mạnh, mô hình lúa - tôm tại Cà Mau đã chứng minh hiệu quả và được đánh giá là bền vững. Trong điều kiện diễn biến của biến đổi khí hậu, mặn xâm nhập sâu, nên các ngành chức năng địa phương đang định hướng chuyển đổi một cách thận trọng, vì để phát triển loại hình nêu trên như mong muốn của người dân vẫn còn thiếu nhiều điều kiện.
Mô hình lúa - tôm đã được người dân Cà Mau phát triển tự phát tại huyện Đầm Dơi trước năm 2.000, khi địa phương chưa có chủ trương chuyển đổi, sau đó lan sang các huyện lân cận như Cái Nước, Thới Bình.
Gia đình ông Phan Văn Bằng là một trong những hộ đầu tiên đưa nước mặn vào ruộng lúa nuôi tôm tại xã Hồ Thị Kỷ, huyện Thới Bình. Theo lời ông Bằng, thời điểm còn làm 2 vụ lúa, hằng năm “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời” vẫn không khá nổi. Khoảng năm 1997, thấy bà con nơi khác thu hoạch tôm trúng lớn, ông đã "làm liều" đưa nước mặn vào canh tác mô hình lúa - tôm trên diện tích đất gần 3 ha. Làm theo phương pháp này mang lại hiệu quả kinh tế cao, giúp ông xây được nhà và tạo dựng được một gia tài bề thế đầy đủ tiện nghi.
Nuôi tôm trên đất lúa chứng tỏ tính hiệu quả nhưng diện tích nuôi đang ngày càng bị thu hẹp tại Cà Mau. |
Còn gia đình ông Phạm Thanh Hiểu, (xã Khánh An, huyện U Minh) trước đây chuyên canh lúa trong vùng đệm rừng U Minh hạ. Do đất nhiễm phèn nặng, điều kiện canh tác lại phụ thuộc hoàn toàn vào nước trời nên năng suất lúa rất bấp bênh.
Năm 2.000, Nhà nước có chủ trương cho chuyển đổi cơ cấu sản xuất, ông Phạm Văn Hiểu đã chuyển đổi 1,5 ha đất của gia đình qua nuôi tôm. Sau gần 10 năm độc canh nuôi tôm, môi trường nuôi có dấu hiệu bị suy thoái, theo lời khuyên của bạn bè, ông Hiểu đã mạnh dạn chuyển qua thực hiện luân canh 1 vụ lúa và 2 vụ tôm. Từ sự cộng sinh của cây lúa và con tôm đã làm tiền đề để gia đình ông phát triển bền vững kinh tế.
“Nuôi tôm lâu ngày hoặc cứ sau 1 vụ tôm thường tạo ra phân tôm và các tạp chất làm bẩn đầm nuôi. Khi trồng lúa trên đầm tôm sẽ làm đầm nuôi sạch, nuôi tôm từ đó sẽ có hiệu quả hơn. Thu nhập từ 2 vụ lúa được vài triệu đồng, nhưng nếu áp dụng mô hình lúa - tôm thu nhập mỗi năm có thể tăng lên 50 – 60 triệu đồng”, ông Hiểu chia sẻ.
Từ thực tế hiệu quả mô hình lúa - tôm mang lại đã nhanh chóng lan rộng tại Cà Mau. Diện tích lúa – tôm liên tục tăng nhanh, tập trung nhiều tại các huyện U Minh, Thới Bình, Cái Nước…
Ông Nguyễn Văn Tranh, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Cà Mau cho biết, loại hình sản xuất luân canh này đã chứng minh được hiệu quả, cho thu nhập gấp 2 – 3 lần so với độc canh cây lúa. Đặc biệt, trong điều kiện biến đổi khí hậu hiện nay, vùng chuyên lúa của tỉnh ngày càng bị mặn xâm nhập nghiêm trọng nên mô hình lúa - tôm mở ra hướng sản xuất bền vững hơn.
“Trong điều kiện thời tiết phân chia ra 2 mùa mưa nắng rõ rệt. Mùa nắng người dân sẽ tập trung nuôi tôm, mùa mưa cải tạo đất trồng lúa. Khi trồng lúa tạo được môi trường mới để nuôi tôm hạn chế được mầm mống bệnh và là mô hình sản xuất bền vững. Ngoài nuôi tôm ít dịch bệnh, tương đối ổn định, lúa cũng là một trong những nguồn thu nhập khá vì sản xuất lúa trên đất nuôi tôm tốn rất ít chi phí”, ông Tranh cho biết.
Tuy nhiên, cũng theo phân tích của ông Tranh, điểm hạn chế lớn nhất của mô hình lúa - tôm là phụ thuộc vào điều kiện thời tiết. Trồng lúa trên đất nuôi tôm cần nước mưa để rửa mặn, năm nào mưa ít người dân không thể trồng lúa. Nếu nuôi tôm liên tục thời gian dài, người dân muốn quay lại làm vụ lúa rất khó khăn, khi đó buộc phải chuyển qua chuyên nuôi tôm.
Chính vì vậy, diện tích lúa – tôm của tỉnh ngày càng bị thu hep chỉ còn trên dưới 50.000 ha. Thực tế, tại huyện Đầm Dơi, nơi khởi phát mô hình, hiện người dân đã không thể trồng lúa. Còn tại huyện Cái Nước từ diện tích 4.000 ha trước đây, năm 2016 chỉ còn khoảng 1.000 ha và năm nay giảm còn 500 ha. Ngoài yếu điểm đã nêu trên, một khó khăn cơ bản của loại hình nuôi tôm này là thủy lợi chưa đáp ứng được yêu cầu.
Ông Lê Văn Sử, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau nêu thực tế, những nơi thiếu nước mặn, nước mặn cũng không thể triển khai mô hình này. Những nơi không có hạ tầng thủy lợi đảm bảo cho việc rửa mặn khi cần thiết, ngăn mặn khi sản xuất lúa cũng không thực hiện được.
“Diện tích sản xuất theo mô hình tôm – lúa tại Cà Mau đang bị đẩy lùi dần theo thời gian và sâu từ biển vào trong nội địa. Hiện tại khi không có hạ tầng thủy lợi, không thể rửa được mặn sẽ không trồng được lúa và như thế mô hình bền vững sẽ không còn”, ông Sử nêu thực tế.
Hiệu quả của mô hình lúa tôm đã được chứng minh. Hiện nay, một số nơi tại Cà Mau bà con đang tự phát chuyển sang sản xuất theo mô hình này, hướng tới hiệu quả cao hơn.
Mong muốn của người dân là chính đáng, nhưng quy hoạch cơ sở hạ tầng thủy lợi từng vùng vẫn chưa đáp ứng yêu cầu đặt ra. Trong điều kiện nguồn lực của tỉnh còn hạn chế, chưa thể đầu tư đồng bộ, người dân cần thận trọng phát triển mô hình "con tôm ôm cây lúa" trong điều kiện cơ sở hạ tầng chưa đáp ứng yêu cầu cho sản xuất hiện nay./.
Phát triển nuôi tôm ở Việt Nam: Cần nhiều giải pháp đồng bộ