Tuy vậy, các nhà quản lý khu công nghiệp đã nêu nhiều khó khăn, vướng mắc cần tháo gỡ.
Nhiều quy định chồng chéo gây khó
TP.HCM là một trong những địa phương có các khu công nghiệp từ sớm. Đến thời điểm hiện tại, Khu công nghiệp Hiệp Phước (huyện Nhà Bè) là nơi có những tiền đề căn bản để thực hiện khu công nghiệp sinh thái. Ông Giang Ngọc Phương – Phó Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Khu công nghiệp Hiệp Phước cho biết: trong số 134 doanh nghiệp đang hoạt động tại đây, có 24 doanh nghiệp đồng ý tham gia chuyển đổi sang mô hình khu công nghiệp sinh thái.
Theo ông Phương, những khó khăn mà doanh nghiệp gặp phải là chi phí chuyển đổi công nghệ cao hơn so với sản xuất truyền thống. Bên cạnh đó, chính sách của Nhà nước vẫn còn một số rào cản.
Cụ thể, hiện chưa quy định rõ đơn vị sản xuất sạch hơn được nhận những ưu đãi gì, thêm vào đó các văn bản dưới luật cũng còn chồng chéo giữa các bộ ngành trong quy định quản lý về tái sử dụng chất thải công nghiệp.
“Cộng sinh công nghiệp là việc mà thế giới khuyến khích làm để tiết kiệm năng lượng, tiết kiệm nhiên liệu. Tuy nhiên ở Việt Nam, pháp luật quy định chất thải ra khỏi nhà máy thì phải do đơn vị có chức năng xử lý chất thải chứ không trở thành nguyên liệu của nhà máy kế bên. Muốn đi qua nhà máy kế bên thì phải xin phép, doanh nghiệp thấy phát sinh nhiều chi phí quá nên không muốn” - ông Phương nêu ý kiến.
Tại Đồng Nai, Khu công nghiệp Amata (TP.Biên Hòa) được quản lý với tiêu chuẩn quốc tế về sinh thái và cộng sinh công nghiệp. Ông Phạm Anh Tuấn – Giám đốc Quản lý nước và môi trường, Công ty Amata cho biết, đối với tài nguyên nước, tại Công ty Amata Thái Lan đã tái sử dụng 100% lượng nước thải sau xử lý. Còn ở Việt Nam, dù việc xử lý nước thải đã đạt tiêu chuẩn nhưng hiện vẫn chỉ thải ra môi trường chứ không tái sử dụng, gây ra lãng phí lớn.
Nguyên nhân là các tiêu chí về tái sử dụng nước chưa được các bộ ngành có thẩm quyền quy định cụ thể. Ngoài ra, quy định khung giá nước tái chế cũng chưa có nên doanh nghiệp không có cơ sở tính giá.
“Một chính sách sẽ liên quan đến nhiều bộ ngành. Xu hướng là Việt Nam đã cởi mở hơn nhưng vẫn chưa đồng bộ. Ví dụ, chính sách về giá nước thì liên quan giữa Bộ Tài chính và Bộ Xây dựng. Thường ở các nước phát triển, họ sẽ kết hợp giữa doanh nghiệp, nhà khoa học và những người quản lý pháp luật, làm sao cho toàn bộ hệ thống "chạy" được” - ông Tuấn nói.
Chuyển đổi để phát triển bền vững
Trong chiến lược phát triển kinh tế-xã hội giai đoạn 2021 – 2030, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn được xem là một trong những phương hướng, nhiệm vụ quan trọng. Chính phủ đã ban hành Nghị định số 35/2022 về quản lý khu kinh tế, khu công nghiệp, trong đó có quy định về mô hình khu công nghiệp sinh thái. Từ năm 2015 – 2019, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã phối hợp với Tổ chức công nghiệp Liên hợp quốc (UNIDO) triển khai thí điểm mô hình khu công nghiệp sinh thái tại một số địa phương.
Kết quả, đã có trên 72 doanh nghiệp thực hiện hơn 900 giải pháp tiết kiệm năng lượng và sản xuất sạch hơn, tiết kiệm 76 tỷ đồng/năm và huy động được khoảng 207 tỷ đồng từ khu vực tư nhân, cắt giảm đáng kể khí CO2 hằng năm, bước đầu đem lại hiệu quả về mặt kinh tế, xã hội và môi trường.
Bà Lê Thị Thanh Thảo – Trưởng đại diện Tổ chức công nghiệp Liên hợp quốc (UNIDO) tại Việt Nam cho biết: Hiện nhiều doanh nghiệp trong các khu công nghiệp không chỉ quan tâm, mà thực sự có nhu cầu về sử dụng hiệu quả tài nguyên và sản xuất sạch hơn. Nhiều chủ đầu tư các khu công nghiệp đã chủ động liên hệ với UNIDO đề nghị phối hợp hướng dẫn và hỗ trợ trong việc chuyển đổi sang mô hình sinh thái.
Theo bà Thảo, các mô hình khu công nghiệp sinh thái rất đa dạng, không có mô hình chuẩn bởi những khu công nghiệp có đặc thù riêng. Do đó, chỉ có thể đặt ra tiêu chí để từng khu công nghiệp tìm ra giải pháp khả thi. Bà Thảo kiến nghị, các bộ ngành khi đưa ra tiêu chí cũng cần phối hợp với các tổ chức liên quan để cân nhắc, tạo điều kiện thuận lợi cho các khu công nghiệp.
“Làm sao để các chính sách cụ thể hóa các Nghị định của Chính phủ, đưa vào thực tế một cách thuận lợi nhất cho doanh nghiệp thực hiện hiệu quả về mặt kinh tế. Đồng thời, thông qua đó họ thực hiện trách nhiệm về xã hội, về môi trường” - bà Thảo nói.
Việc chuyển đổi theo hướng kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn trong các khu công nghiệp là yếu tố then chốt để nâng cao năng lực cạnh tranh và đảm bảo phát triển bền vững. Về dài hạn, chuyển đổi mô hình sang khu công nghiệp sinh thái giúp thu hút làn sóng đầu tư mới, chất lượng cao. Do đó, các bộ ngành cần nhanh chóng đưa ra khung pháp lý và chính sách phù hợp cho các doanh nghiệp thực hiện./.