Ghi nhận của phóng viên VOV sáng nay 31/7, "chợ truyền thống an toàn" ở Phước Nguyên không ồn ào, tấp nập như mọi khi, trước các quầy sạp điều giăng dây để giữ khoản cách giữa người mua và người bán. Nhân viên Ban quản lý chợ thường xuyên nhắc nhở tiểu thương thực hiện 5K, nhanh chóng rời quầy hàng sau khi mua sắm. Tất cả đều trật tự, chấp hành nghiêm quy định của Ban quản lý chợ.

Chị Huỳnh Thị Loan, người dân khu phố 1, phường Phước Nguyên, TP.Bà Rịa chia sẻ, mấy ngày trước nhà hết đồ ăn mà chính quyền không cho người dân ra ngoài, cũng không có giấy đi chợ người dân rất lo lắng. Nay phát giấy đi chợ, người dân rất mừng, vào chợ thực hiện đúng quy định về phòng chống dịch: “Có giấy thì mình đi thẳng vào chợ. Phường tổ chức chợ như thế này mừng lắm vì hết đồ ăn mình được đi chợ, mình mua về mình dự trữ 1 tuần hay 10 ngày”.

Theo quan sát của phóng viên, tại các ô sạp ở “chợ truyền thống an toàn Phước Nguyên” được sắp xếp giãn cách. Cứ 1 hàng kinh doanh thì bỏ 1 hàng, 1 ô sạp hoạt động thì ô kế bên bỏ trống, người đi chợ chỉ di chuyển theo một chiều. Tiểu thương giữ khoảng cách tối thiểu 2 mét với người mua.

“Một việc làm rất đáng hoan nghênh, vừa phòng chống dịch mà UBND phường quan tâm, tạo điều kiện cho bà con tiểu thương không phải túng thiếu rất là tốt, rất hạnh phúc vì phường tổ chức được chợ như thế này để phục vụ cho bà con phường Phước Nguyên. Trong lúc kinh doanh, tôi phải thực hiện đúng 5k để quyết tâm phòng chống dịch bệnh”, ông Nguyễn Văn Tùng, tiểu thương kinh doanh rau tại chợ an toàn Phước Nguyên phấn khởi cho biết.

Theo Ban quản lý chợ Phước Nguyên, thành phố Bà Rịa, mỗi ngày “chợ truyền thống an toàn" mở cửa từ 6 giờ sáng đến 12 giờ trưa, chủ yếu kinh doanh các mặt hàng thiết yếu như: rau, củ, quả, thịt, cá, trứng các loại… Hầu hết tiểu thương và người đi chợ chủ yếu là dân cư trên đường bàn phường. Chợ chỉ luân phiên 30 hộ kinh doanh và có giấy xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2 không quá 3 ngày, tất cả người dân vào chợ phải có thẻ đi chợ, mỗi người chỉ được phép vào chợ không quá 30 phút.

Ông Trần Thanh Dũng, Phó Chủ tịch UBND TP.Bà Rịa cho biết, thành phố đang tính toán, sắp xếp, đưa một số chợ truyền thống khác trên địa bàn trở lại hoạt động với quy định chặt chẽ hơn.

“Nếu không có gì thay đổi thì trong thứ 2 tuần tới (2/8), thành phố sẽ cho chợ Tân Hưng và Long Phước hoạt động, sau đó, chúng tôi sẽ cho chợ Hoà Long và Long Hương hoạt động lại theo mô hình này. Dù tháo dỡ Chỉ thị 16 thì TP.Bà Rịa vẫn tiếp tục không cho tập trung đông người, giữ khoảng cách đến khi nào an toàn. Đi vào chợ phải khai bảo y tế, để khi có vấn đề thì chính quyền sẽ biết được khung giờ đó người nào vào để thực hiện truy vết tiện hơn”, ông Trần Thanh Dũng thông tin.

Có thể nói, mô hình “chợ truyền thống an toàn” tại TP.Bà Rịa đang thực sự phát huy hiệu quả, rất cần được nhân rộng. Chính quyền thành phố đang thể hiện quyết tâm phòng chống dịch nhưng vẫn không “ngăn sông cấm chợ”, đảm bảo người dân không thiếu ăn vì không tiếp cận nguồn thực phẩm thiết yếu hàng ngày./.