Trước sự biến đổi khí hậu ngày càng phức tạp, đồng thời để khai thác đúng lợi thế, tiềm năng, hướng tới sự phát triển bền vững của mô hình luân canh tôm - lúa,  Trung tâm Khuyến nông Quốc gia  phối hợp với tỉnh Bạc Liêu tổ chức Diễn đàn chuyên đề “giải pháp nâng cao tính bền vững của mô hình canh tác tôm – lúa vùng ĐBSCL”.

sxlt_ifxz.jpg
Năng suất lúa - tôm trong vùng sản xuất chưa tương xứng với tiềm năng và lợi thế của vùng ĐBSCL. (Ảnh minh họa: KT)
Theo cục Trồng trọt, mô hình canh tác tôm - lúa đã phát triển mạnh mẽ trong hơn  15 năm gần đây. Nhiều tỉnh ven biển ĐBSCL đã có những tổng kết, đánh giá về hiệu quả và tính bền vững của hệ thống canh tác này; đồng thời, xây dựng các quy trình canh tác tôm - lúa phù hợp với đặc điểm và điều kiện của từng địa phương từ thời vụ, cơ cấu giống chịu mặn, chất lượng cao đến sử dụng phân bón hợp lý và phòng trừ dịch hại an toàn.

Tuy nhiên, trong thời gian qua, do nhiều yếu tố khách quan, mô hình này chưa được đánh giá đúng mức, chưa được đầu tư thỏa đáng. Sản xuất còn phụ thuộc rất nhiều vào điều kiện tự nhiên, thời tiết, những tác động về môi trường, ảnh hưởng trực tiếp đến canh tác, năng suất, sản lượng và thu nhập của nông dân, ảnh hưởng đến sự ổn định của sản xuất lúa - tôm trong các vụ tiếp theo.

Ông Hời Văn Thụ, nông dân thực hiện mô hình lúa – tôm ở xã Phong Tân, thị xã Giá Rai, tỉnh Bạc Liêu cho biết, 5 năm trở lại đây, sự điều tiết nước giữa vùng mặn và vùng ngọt tại địa phương không được ổn định, mặn xâm nhập nhiều khiến lúa trong vuông tôm không sạ được.

Hiện nay, năng suất lúa - tôm trong vùng sản xuất còn thấp, chưa tương xứng với tiềm năng và lợi thế của vùng. Mặt khác, việc sản xuất theo tiêu chuẩn GAP cũng mới chỉ được quan tâm tại một vài nơi. Do vậy, dù có nhiều ưu thế về sản xuất nông sản chất lượng cao nhưng tiềm năng của vùng sản xuất này chưa được khai thác hiệu quả.

Để khai thác đúng tiềm năng lợi thế của mô hình này, đặc biệt trong điều kiện biến đổi khí hậu ngày càng nghiêm trọng như hiện nay, thực hiện mô hình một cách hợp lý là điều rất quan trọng.

Bên cạnh đó, các kỹ thuật canh tác lúa - tôm phù hợp trong hệ thống cho từng vùng cần sớm được nghiên cứu, phổ biến và hoàn thiện dần, xác lập các quy trình chuẩn cho vùng canh tác, hướng tới việc canh tác lúa đặc sản chất lượng cao theo các tiêu chuẩn GAP. Đồng thời nâng cao trình độ kỹ thuật của nông dân, tiếp cận khoa học kỹ thuật, thông tin về thị trường và ý thức bảo vệ thương hiệu sản phẩm, bảo vệ môi trường.

TS. Trần Văn Khởi, Giám đốc Trung tâm khuyến nông Quốc gia cho biết, canh tác tôm - lúa là một hệ thống đặc thù của vùng ven biển ĐBSCL, có nhiều lợi thế để phát triển ổn định, bền vững với những sản phẩm tôm - lúa chất lượng, thỏa mãn nhiều tiêu chí nghiêm ngặt để tạo ra hàng hóa cao cấp, giá trị cao, hiệu quả kinh tế lớn và nhiều cơ hội xây dựng và khẳng định thương hiệu.

“Các địa phương cần định hướng quy hoạch vùng chi tiết căn cứ vào các điều kiện để hướng nông dân sản xuất. Bằng những nguồn lực từ chính sách khuyến nông, nguồn lực chung của Trung ương và địa phương, tập trung chuyển giao tiến bộ kỹ thuật, tập huấn nâng cao kỹ năng sản xuất. Đảm bảo hình thành mô hình hiệu quả cũng như phát triển bền vững, sau đó mới là định hướng xây dựng thương hiệu sản phẩm”, TS. Trần Văn Khởi đề xuất.

Các tỉnh có diện tích canh tác lúa trên nền nuôi tôm năm 2015 ước có khoảng 160.000 ha thực hiện mô hình. Như vậy tiềm năng và lợi thế phát triển hệ thống canh tác lúa - tôm trong toàn vùng còn rất lớn, quy mô sản xuất có thể đạt đến 200.000 ha.

Việc khai thác và phát huy sản xuất lúa - tôm cần được tiếp tục thực hiện với những định hướng rõ rệt hơn. Ngoài quy hoạch vùng, cần quan tâm giống lúa chất lượng cao, đặc sản, giống tôm; trong đó, chú ý đến thời vụ, phương pháp canh tác theo GAP và xây dựng thương hiệu vùng sản xuất lúa - tôm./.