Trong bối cảnh suy giảm kinh tế và nợ lương tại Trung Quốc, các nhà đầu tư quốc tế đang “tháo chạy” khỏi nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới.

von_ngoai_fpzr.jpg
Lượng vốn ngoại khổng lồ đang rời khỏi thị trường Trung Quốc

Theo số liệu mới công bố của Viện Tài chính quốc tế (IIF), các nhà đầu tư nước ngoài đang có kế hoạch rút 538 tỷ USD khỏi thị trường Trung Quốc trong năm nay, mặc dù tốc độ thoái vốn này đã giảm đáng kể so với năm ngoái.

IIF cho biết, con số thoái vốn trong năm 2016 này giảm 1/5 so với khoản rút vốn 674 tỷ USD trong năm 2016, nhưng có khả năng sẽ tăng mạnh nếu xuất hiện những lo ngại về đồng nhân dân tệ mất giá.

Làn sóng “di cư tiền” khỏi Trung Quốc có thể sẽ ảnh hưởng đến các thị trường mới nổi, một phần do tầm vóc chi phối của nền kinh tế Trung Quốc, một phần khác vì tình trạng thoái vốn kéo dài có thể gây ra nhiều biến động hơn về tỷ giá, theo đó lại làm phát sinh đợt thoái vốn mới.

Báo cáo của IIF cho hay, sự suy giảm mạnh mẽ của đồng nhân dân tệ có thể sẽ châm ngòi cho một cuộc tháo chạy vốn khổng lồ khỏi thị trường Trung Quốc, đồng thời tiềm ẩn trong đó những kịch bản khó lường, như tạo ra một chuỗi thoái vốn tại các thị trường mới nổi khác, đặc biệt là những quốc gia có quan hệ thương mại chặt chẽ với Trung Quốc.

Hiện tại tốc độ thoái vốn khỏi thị trường Trung Quốc đang chậm lại. Theo báo cáo trong tháng 3, đã có khoảng 35 tỷ USD được rút khỏi Trung Quốc, nâng tổng mức thoái vốn tại nước này kể từ đầu năm là 175 tỷ USD, vẫn thấp hơn so với quý II/2015.

Giới chuyên gia tài chính nhận định, vẫn còn một “nhân tố bí ẩn” quan trọng chính là ngưỡng dự trữ ngoại hối thấp khiến chính quyền Trung Quốc lo lắng. Mức dự trữ ngoại hối của Trung Quốc đang giảm nhanh từ 4.000 tỷ từ tháng 6/2014 xuống chỉ còn 3.200 tỷ vào tháng 2/2016.

Theo tính toán của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), lượng dự trữ ngoại hối của Trung Quốc đã giảm khoảng 15% so với cách đây 2 năm. Để đối phó, chính phủ Trung Quốc có thể sẽ lại phá giá đồng nhân dân tệ hoặc kiểm soát dòng vốn một cách minh bạch hơn./.