Thông tin trên do bà Hoa Nguyễn, Trưởng bộ phận Khảo sát lương và Tư vấn nhân sự theo phương pháp Mercer của công ty Talentnet, cho biết.Cụ thể, theo kết quả của cuộc khảo sát này, các tập đoàn đa quốc gia có mức tăng lương bình quân cho nhân viên là 13%, trong khi đó các công ty trong nước có mức tăng lương cao hơn là 13,3%. Xét về mức trả lương trong khối doanh nghiệp nước ngoài, ngành dầu khí và ngân hàng là hai ngành có mức trả lương cao nhất. Trong khi đó, sản xuất, vận tải và logistics lại là ngành có mức trả lương thấp nhất trong thị trường.Xét về tỷ lệ tăng lương theo từng ngành, ngành sản xuất có tỷ lệ tăng lương cao nhất ở 13,7%. Theo sau là ngành dược phẩm và hoá chất với mức tăng tương ứng là 13,5%. Trong khi đó, các ngành tài chính bao gồm quản lý quỹ, tư vấn, tài chính cá nhân có mức tăng lương thấp nhất là 11,3%.Cuộc khảo sát cũng chỉ ra rằng đối với các doanh nghiệp Việt Nam, mức tăng lương cao nhất là ở cấp lãnh đạo với mức 16,9%. Tỷ lệ này ở các cấp bậc khác là 13,2%. Trong khi đó, đối với các công ty nước ngoài, tỷ lệ tăng lương ở các cấp là gần như nhau, nổi trội hơn chút ít ở nhóm lao động phổ thông.Vẫn còn khoảng cách về lương giữa công ty nước ngoài và công ty trong nước. Đối với cấp nhân viên, các công ty nước ngoài trả cao hơn các công ty trong nước 19%, và khoảng cách này dần cao hơn ở mức chênh lệch 25% ở cấp chuyên viên, và cao nhất ở mức 30% ở cấp quản lý.Tuy nhiên, các doanh nghiệp trong nước thường có tỷ lệ thưởng khá cao, nên nếu so sánh tổng nhu nhập bao gồm cả lương và thưởng, thì chênh lệch về trả lương giữa nước ngoài và Việt Nam sẽ không lớn. Hiện nay, rất nhiều công ty trong nước chấp nhận trả ngoài khung lương hiện có để thu hút nhân tài từ các doanh nghiệp đa quốc gia./.