Gần 1 tháng sau ngày 30/6, thời điểm mà các ngân hàng thương mại phải hoàn thành tất toán trạng thái nhằm chấm dứt hoạt động huy động cho vay vàng, nhưng ngân hàng nhà nước vẫn phải liên tiếp tổ chức các phiên đấu thầu. Đáng chú ý các phiên đấu thầu ngày càng dày đặc hơn và số lượng vàng tung ra bao nhiêu thì được mua hết bấy nhiều. Điều này khiến dư luận đặt câu hỏi, tại sao nhu cầu vàng trên thị trường lại lớn như vậy và bao giờ chấm dứt.

Giải thích điều này, ông Nguyễn Công Tường, Phó phòng kinh doanh vàng Công ty VBĐQ Sài Gòn SJC cho rằng, vì nguồn cung chỉ trông chờ vào các phiên đấu thầu nên khi nhu cầu thị trường tăng mạnh thì phải nới rộng khoảng cách mua bán để dự phòng an toàn: “Lực cầu trên thị trường rất lớn, lực cầu này có cả người dân và tổ chức tín dụng. Tổ chức tín dụng cũng mua và cũng bán vì thấy ngân hàng nhà nước đấu thầu bao nhiêu thấy hết bấy nhiêu, mỗi phiên bán hết 1 tấn là thấy nhu cầu rất lớn”.

Tuy nhiên, theo ghi nhận của phóng viên VOV, giao dịch vàng lẻ trên thị trường dù sôi động nhưng quy mô cũng không lớn. Vì vậy, với số lượng hơn 7 tấn vàng mà Ngân hàng Nhà nước cung cấp ra thị trường sau ngày 30/6, lực cầu từ giao dịch lẻ không thể đủ sức thao túng giá vàng.

Chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong cho rằng: “Dù yếu tố đầu cơ chưa lớn nhưng có dấu hiệu các ngân hàng tích trữ lượng vàng miếng để phòng trường hợp sau này vàng sẽ tăng giá. Thời gian qua, vàng đã giảm mạnh và vàng trong nước giảm 20%, có thể tăng giá vào thời gian tới là không loại trừ. Về nguyên tắc, nhà kinh doanh có quyền đoán định thị trường và chuẩn bị phương án. Việc họ tiếp tục mua vào và tích trữ vàng để chờ giá lên kinh doanh có lời cũng là hoat động phù hợp. Vì Ngân hàng Nhà nước chỉ cấm hoạt động huy động và cho vay bằng vàng nhưng không cấm các ngân hàng tích trữ vàng”.

PGS, TS Bùi Thiên Sơn, Phó Viện trưởng, Viện đào tạo quốc tế, Học viện Tài chính cũng cho rằng nguồn cầu của thị trường vẫn phục vụ việc tất toán của các ngân hàng nhưng không loại trừ yếu tố tích trữ của các tổ chức tín dụng, khi mà hiện nay số lượng tiền vốn còn rất lớn nhưng không thể tăng trưởng tín dụng thì họ sẽ phải tìm những cách khác để sinh lời đồng tiền nên họ sẽ lướt sóng vào vàng.

Đồng thời, với yêu cầu trạng thái vàng không được vượt quá 2% so với vốn tự có, với vốn tự có của hơn 22 ngân hàng được cấp phép kinh doanh vàng miếng hiện nay, ước khoảng 132.000 tỷ đồng, họ đủ sức gom hàng và thao túng giá vàng trong nước mà không vi phạm pháp luật.

Ông Bùi Thiên Sơn phân tích, Ngân hàng Nhà nước nên tiếp tục kiên trì giá sàn ở mức cao để hạn chế việc mua gom. Đồng thời, người dân bỏ tâm lý tích trữ thì vàng sẽ trở về đúng nghĩa là hàng hóa, giúp ổn định kinh tế vĩ mô: “Cần có tuyên truyền và hướng dẫn tiêu dùng rằng, vàng không là gì cả, đừng ôm vàng khư khư. Bây giờ làm sao thoát khỏi tâm lý vàng hóa và người dân làm sao không giữ vàng nữa".

Ngân hàng Nhà nước đã có những điều chỉnh trong phiên đấu thầu ngày 25/6, rút khối lượng đặt thầu xuống còn 3.000 lượng thay vì 5000 lượng như những phiên trước. Điều chỉnh này đồng nghĩa với việc hạn chế khả năng thu gom của mỗi thành viên, bên cạnh đó cũng xem xét đến việc thu hẹp lại trạng thái vàng của các ngân hàng thương mại (hiện áp 2% vốn tự có). Vẫn còn quá sớm để đoán định được thời điểm lực cầu vàng trên thị trường mới giảm xuống, nhưng Ngân hàng nhà nước cần tăng cường công tác thanh, kiểm tra để có giải pháp điều chỉnh kịp thờ, tránh biến động tỷ giá./.